Thứ hai, 17/06/2024 03:22:15 (UTC+7) 456,929

HẠNH PHÚC LÀ KHI CÓ PHẬT TRONG ĐỜI

admin

Mỗi năm, chúng ta lại hướng về ngày lễ Phật Đản để tưởng nhớ đến Đức Phật với cuộc đời phi thường và giáo Pháp thiêng liêng mà Ngài để lại. Đây cũng là dịp ta soi rọi lòng mình để đón nhận ánh mặt trời chân lý nhiệm mầu

Dù trong thời đại nào, hạnh phúc luôn là nỗi khát khao cháy bỏng của con người. Hơn 2500 năm đã trôi qua kể từ ngày Đức Phật tìm ra chân lý giác ngộ nhiệm mầu, đạo lý của Phật vẫn là ánh từ quang rực rỡ soi sáng tinh cầu, xoa dịu những nỗi khổ, niềm đau của con người. Bằng tình thương yêu và sự giác ngộ sâu xa, Phật đã mang đến cho chúng sinh niềm hạnh phúc vô giá, vĩnh hằng mà không điều gì có thể so sánh được.

GIỮA CUỘC ĐỜI NHIỀU KHỔ ĐAU, ĐẠO LÝ TỪ BI MÀ ĐỨC PHẬT MANG ĐẾN CHO THẾ GIỚI LÀ MỘT ĐIỀU KỲ DIỆU.

Tình thương yêu là chất liệu của cuộc sống, giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách và là động lực để chúng ta sống trên cuộc đời này. Chính vì thế, tôn giáo nào cũng nói đến tình thương, nhưng tình thương vô điều kiện, không biên giới, đến tuyệt đối mênh mông vô tận thì chỉ có trong đạo Phật mới đề cập tới. Thông thường chúng ta chỉ thương ai khi thấy người đó yêu thương, đối xử tử tế và đem lại khoái cảm, danh lợi cho mình. Chính tình thương vị kỷ này khiến chúng ta đau khổ và chìm mãi trong luân hồi. Còn với Đức Phật, suốt cuộc đời, bằng lòng từ bi bình đẳng không phân biệt, Người đã cảm hóa vô số người, giúp họ biết sống đạo đức và thương yêu. Đó có thể là vua chúa, quan tướng, nhà tu hành, thương nhân, nông dân… cho đến kẻ khốn cùng. Giữa xã hội mà sự phân biệt đẳng cấp là cái cớ để con người đối xử tệ bạc với nhau, Đức Phật khẳng định: “Không có giai cấp khi máu cùng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn. Sự sống nào cũng đáng quý như nhau, nỗi đau nào cũng cay đắng như nhau”. Lòng từ bi của Đức Phật còn phủ trùm đến cả cỏ cây muông thú. Ngài ngăn cấm mọi hành vi sát sinh, không cho phép đệ tử chặt phá cây cối. Ngài an trú lòng từ cho đến từng giọt nước với tâm niệm: “Mong rằng Ta không làm hại một chúng sinh nhỏ nào trong những ác đạo của họ”. Thời gian cứ thế trôi, dù cách Phật đã xa nhưng chúng ta vẫn nhận được tình thương của Người bằng sự cảm ứng và gia hộ vô hình. Tình thương của chư Phật tịch lặng như hư vô nhưng chứa đầy thần lực nhiệm mầu, gói trong đó là trách nhiệm, trí tuệ và sự nghiêm khắc. Khác với những bậc cha mẹ thương con bằng sự nuông chiều, cảm tính, tình thương của Người đối với chúng sinh sâu sắc, lý trí tột cùng. Đức Phật không cho phép đệ tử của Ngài sống một cách tầm thường, tội lỗi. Phật âm thầm vừa chở che gia hộ, vừa rèn luyện chúng sinh đi qua cả những lúc vinh quang hay cay đắng. Phật muốn chúng sinh có được ý chí, sức mạnh để tự đứng lên và bước đi trên đôi chân của mình, mỗi người phải tự nỗ lực rất nhiều để trưởng thành hơn nữa.

Khi nhận được năng lượng từ bi vô hình nhiệm mầu của Phật, chúng ta phải đền đáp lại bằng tình yêu thương hiện hữu nơi chính nội tâm mình và biến thành hành động cụ thể, đem lại lợi ích thực sự cho cuộc đời. Trước đây, khi chưa thương được ai, chúng ta chỉ thấy nhu cầu, sở thích, mơ ước của mình là quan trọng. Khi hạt giống từ bi của Phật rơi vào tâm hồn thì ta biết sống, biết nghĩ cho mọi người xung quanh. Những niềm vui, nỗi buồn của từng người mà chúng ta gặp hiện ra rõ ràng trước mắt. Đôi khi, khả năng của chúng ta chưa đủ để giải quyết mọi khó khăn, mong muốn của ai đó nhưng chúng ta luôn sẵn sàng đứng bên cạnh động viên, hỗ trợ họ với lòng nhiệt thành và bằng những gì mình có được. Nhưng lòng từ bi không hề dễ để thực hành. Khi tiếp xúc với những người có những sai lầm, khiếm khuyết về đạo đức như tham lam, đố kỵ, hẹp hòi… ta rất khó để thương được họ. Mà đạo lý từ bi của Phật buộc chúng ta phải thương, kể cả những người lầm lỗi, thậm chí chỉ trích, mưu hại, chống đối mình. Khi đó, chúng ta hãy quỳ trước Phật phát nguyện: “Xin Phật gia hộ cho con không giận, không ghét họ. Xin Phật gia hộ cho con thương yêu được những người như thế này. Cầu xin Phật gia hộ cho họ vượt qua lầm lỗi và biết tu hành theo Chánh Pháp”. Trong đời sống chúng ta cũng thường tác ý như vậy; trong lúc tĩnh tâm thiền định, chúng ta cũng thường trải tâm từ đến những người như thế. Lòng từ bi của ta sẽ lớn dần và hóa giải những nghịch duyên đối với người. Khi mang trong tim đạo lý từ bi của Phật thì dù ở nơi đâu, sự hiện diện của chúng ta cũng đem được niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người. Tình thương yêu chân thành và thấu đáo nhất mà Đức Phật đã dạy không chỉ dừng lại ở việc chúng ta giúp đỡ, quan tâm hay chia sẻ với mọi người về vật chất hay tinh thần, mà trong từng hành động đó chúng ta đều gửi cho họ lý tưởng tu tập hướng về giải thoát giác ngộ. Trong mỗi việc làm ý nghĩa hãy tác ý thầm cầu nguyện: “Cầu mong người này biết đến Chánh Pháp, biết tinh tấn tu hành, ngày nào đó được giác ngộ”. Lời nguyện này định hướng nhân quả cho chúng ta sẽ cùng nhau đi về nơi giác ngộ, giải thoát trong nhiều kiếp sau.

ĐỨC PHẬT ĐÃ ĐEM ĐẾN ĐẠO LÝ GIÁC NGỘ TỐI THƯỢNG CHO CHÚNG SINH CÓ CƠ HỘI VƯƠN LÊN THOÁT KHỎI TRẦM LUÂN SINH TỬ

Nếu nghìn xưa Phật không ngồi bất động Thì giờ này con đang ở nơi đâu Trong rừng thẳm, ngoài bãi bể nương dâu Hay đọa đày địa ngục sâu tăm tối. Trước Đức Phật, có nhiều đạo sĩ cũng nhập được định, tâm thanh tịnh, có thần thông, có thể biết quá khứ vị lai… và họ tưởng mình đã giải thoát. Nhưng thực sự tất cả những cảnh giới đó vẫn còn kẹt trong bản ngã. Chỉ đến khi Phật xuất hiện Ngài mới hóa giải được những hiểu lầm trước đó. Bằng sự chứng ngộ phi thường, Đức Phật đã minh định lại con đường giác ngộ, đó là Tứ Thiền, Tứ Thánh quả, Tam Minh Lục Thông, Niết bàn Vô ngã. Nơi trạng thái tâm linh cao tột mà Đức Phật đạt được, Ngài thấu suốt chân lý của vũ trụ. Sự giác ngộ của Đức Phật chứa đựng tất cả những gì hoàn hảo nhất, vừa là đạo đức toàn thiện không còn lỗi lầm, vừa là trí tuệ mênh mông thấu hết mọi điều, và cũng là hạnh phúc tuyệt đối vắng bóng hoàn toàn khổ đau. Thực hành theo đạo lý giác ngộ mà Đức Phật đã tuyên giảng, vô số đệ tử của Ngài đã chứng được các Thánh quả, nhiều vị chứng được A La Hán hoàn toàn giải thoát. Nương vào trí tuệ giác ngộ của Phật, biết bao người đã tin vào sự công bằng tuyệt đối của luật nhân quả, hiểu tội phước trong từng lời nói, suy nghĩ, việc làm để rồi họ nỗ lực làm nhiều hơn bổn phận của mình. Từng điều thiện được vun đắp, từng điều ác được ngăn chặn là hạnh phúc lớn dần theo năm tháng. Điều đặc biệt hơn là nhờ có Đức Phật để ta lễ kính mỗi ngày, nhờ lòng kính thương Phật và các vị Thánh giải thoát cao cả mà chúng ta gieo được vào lòng mình hạt giống của từ bi, trí tuệ và nhân lành giác ngộ để chờ ngày nở hoa kết trái. Chúng ta nguyện lòng dâng lên Đức Phật cả cuộc đời, cả trái tim, tất cả sự tôn kính của mình, đời đời kiếp kiếp không bao giờ thoái chuyển. Chúng ta nguyện sẽ đem lý tưởng giác ngộ cao siêu của Phật để kể cho mọi người biết, sẽ đem tâm từ bi vô hạn của Phật để nói cho mọi người nghe, sẽ đem cả cuộc đời rực rỡ phi thường của Phật để gửi vào tim của vô số người trong thế giới. Muôn kiếp nguyện chỉ quỳ dưới chân Ngài, đi theo Ngài để đạt đến sự giác ngộ giải thoát mà Ngài đã mở ra cho chúng sinh – nơi vắng bóng hoàn toàn khổ đau. Nghìn muôn kiếp xin dốc lòng tinh tấn Bước theo Người đến vô tận bao la Lòng tinh khôi son sắt vượt trời xa Cả thế giới vang lời ca giác ngộ.

 

 

XEM NHIỀU