Thứ tư, 05/06/2024 04:42:14 (UTC+7) 87,654,441

VAI TRÒ CỦA LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP TRONG THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI – DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT GIÁO

TS GVC Lương Văn Tuấn

Nhiều năm gần đây trong đời sống chính trị – pháp lý Việt Nam đã xuất hiện thuật ngữ trách nhiệm xã hội dưới các quy định cụ thể. Trong lĩnh vực lao động, chính sách của Nhà nước là “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội.”[2]. Trong lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải công bố thông tin định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và cơ quan đại diện chủ sở hữu, cụ thể là: “Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích được giao theo kế hoạch hoặc đấu thầu (nếu có) và trách nhiệm xã hội khác”[3]. Đây là vấn đề mới nên hiện nay ở Việt Nam chưa có một định nghĩa chính thống về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Tùy vào mục đích khác nhau của các doanh nghiệp cũng như sự phát triển không đồng đều ở mỗi quốc gia nên cách hiểu, quy định và hành động của các doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội ở mỗi quốc gia, khu vực cũng khác nhau.”[4]

Trách nhiệm xã hội lần đầu tiên được đề cập đến trong cuốn sách của học giả H.R.Bowen mang tên “Social Responsibilities of the Businessmen” (Trách nhiệm xã hội của doanh nhân) đã đặt ra những câu hỏi trong Lời tựa[5]: “Những trách nhiệm nào đối với xã hội mà các doanh nhân có thể đảm nhận một cách hợp lý? Những lợi ích hữu hình nào có thể dẫn đến nếu mối quan tâm của nhiều doanh nhân về ý nghĩa xã hội của công việc của họ được lan truyền rộng rãi trong toàn bộ cấu trúc kinh doanh? Những bước nào có thể được thực hiện, trên thực tế, để mang lại hiệu quả lớn hơn cho các khía cạnh xã hội rộng lớn hơn của các quyết định kinh doanh? Các vấn đề đạo đức cơ bản khác mà các doanh nhân Mỹ ngày nay phải đối mặt là gì?”[6] Như vậy, nói về trách nhiệm xã hội của doanh nhân cũng chính là nói đến trách nhiệm của doanh nghiệp. Để thực hiện được các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cần phải thông qua vai trò của người lãnh đạo doanh nghiệp. Doanh nhân là nhà đầu tư, họ thực hiện tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyết định mọi vấn đề (như phương án kinh doanh, phân bổ nguồn lực, tái đầu tư…) có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn vong của doanh nghiệp, đời sống của người lao động, an ninh trật tự xã hội, đất nước và thậm chí là thế giới. Vậy nên nhận thức đúng đắn về vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội là cần thiết khi nhân loại đang hướng tới một cộng đồng hoà bình, an lạc.

Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã đưa ra quan điểm giáo dục ý thức trách nhiệm cho những người kinh doanh thông qua việc hướng dẫn cần tránh kinh doanh những ngành nghề không đảm bảo đức hạnh của doanh nhân và không mang lại lợi lạc cho xã hội: “Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc. Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm.”[7] Đức Phật cũng chỉ ra rằng trong kinh doanh, để đạt được hiệu quả thì doanh nhân cần phải chuyên tâm, chuyên chú với sự hăng say cao nhất, và sẽ không đạt hiệu quả nếu doanh nhân đó có những hành vi ngược lại: “…một người buôn bán không thâu nhận được tài sản chưa thâu nhận và không tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận…”[8] là vì “…người buôn bán vào buổi sáng không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi trưa không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi chiều không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc.”[9] Đồng thời Ngài cũng chỉ ra rằng doanh nhân thành đạt, trở nên giàu có là do họ biết xây dựng được căn bản thể hiện qua việc doanh nhân xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với những người cùng hợp tác làm ăn, luôn được họ ủng hộ “…người buôn bán được các gia chủ hay con các gia chủ, được các nhà giàu, có tiền bạc lớn, có tài sản lớn biết đến như sau: “Người buôn bán này là người có mắt, khéo phấn đấu, có đủ sức cấp dưỡng vợ con và thường trả tiền lời cho chúng ta. Chúng ta trao hàng hóa cho người này: ‘Này người buôn bán, hãy lấy tiền này, xây dựng tài sản để nuôi dưỡng vợ con và thường thường trả tiền lời cho chúng tôi.’” Như vậy, …là người buôn bán xây dựng được cơ bản…không bao lâu đạt được tài sản lớn mạnh và rộng lớn.”[10] Người có mắt trong kinh doanh là người biết tính toán, biết chọn lựa mặt hàng để kinh doanh, theo Đức Phật là: “…người buôn bán biết các thương phẩm. Vật này, mua như vậy, bán như vậy sẽ đưa lại tiền như vậy, tiền lời như vậy.”[11] Người kinh doanh khéo phấn đấu là “người buôn bán khéo léo mua và bán các thương phẩm.”[12]

Hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả là không chỉ truy cầu được lợi ích cho bản thân, doanh nghiệp mà còn cần phải đem lại sự lợi lạc cho đối tác và suy rộng ra là lợi lạc cho toàn xã hội. Như vậy, trong vai trò là lãnh đạo doanh nghiệp – đầu đàn, đòi hỏi doanh nhân – người lãnh đạo doanh nghiệp cần phải thực hiện các pháp thiện để lãnh đạo doanh nghiệp đi đúng hướng, kinh doanh đúng ngành nghề có ích cho xã hội, đem lại lợi ích chính đánh cho bản thân mình, doanh nghiệp mình và người lao động. Hình tượng nhà vua lãnh đạo đất nước được Đức Phật xây dựng nếu ứng dụng vào doanh nghiệp cho thấy vai trò của một doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp là vô cùng quan trọng: “Khi đàn bò lội sông, Đầu đàn đi sai lạc, Cả đàn đều đi sai, Vì hướng dẫn sai lạc. Cũng vậy, trong loài Người, Vị được xem tối thắng, Nếu sở hành phi pháp, Còn nói gì người khác, Cả nước bị đau khổ, Nếu vua sống phi pháp. Khi đàn bò lội sông, Đầu đàn đi đúng hướng, Cả đàn đều đúng hướng, Vì hướng dẫn đúng đường. Cũng vậy, trong loài Người, Vị được xem tối thắng, Nếu sở hành đúng pháp, Còn nói gì người khác, Cả nước được an vui, Nếu vua sống đúng pháp.”[13]

Trong kinh doanh ngày nay, doanh nhân thể hiện trách nhiệm xã hội cần học tập theo những lời Đức Phật đã dạy để có thể vừa mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, vừa tuân thủ pháp luật đồng thời mang lại lợi lạc cho cộng đồng, hướng tới một thế giới hoà bình, văn minh, an lành./.

[1] Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp

[2] Khoản 2, Điều 4, Bộ luật Lao động năm 2019.

[3] Điểm e, Khoản 1, Điều 109 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

[4] Lương Văn Tuấn (2021), Pháp luật về trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Kỷ yếu Hội thảo Tác động của Bộ luật lao động năm 2019 đến quan hệ pháp luật lao động, Khoa Luật – Trường Đại Lao động – Xã hội, nxb Lao động.

[5] H.R.Bowen (2013), Social Responsibilities of the Businessman, University Of Iowa Press, Iowa City, p.XVII

[6] What responsibilities to society may businessmen reasonably be expected to assume? What tangible benefits might result if the concern of many businessmen about the social implications of their work were spread widely throughout the business structure? what steps might be taken, practically, to give greater effect to the broader social aspects of business decisions? what are other basic ethical issues facing American businessmen today?

[7] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Tăng Chi Bộ, Tập 1, Chương IV, Phần VIII. Phẩm Không hý luận, Buôn bán, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.790.

[8] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Tăng Chi Bộ, Tập 1, Chương Ba, Phần II. Phẩm Người đóng xe, Người buôn bán, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.146.

[9] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Tăng Chi Bộ, Tập 1, Chương Ba, phần II. Phẩm Người đóng xe, Người buôn bán, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.146.

[10] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Tăng Chi Bộ, Tập 1, Chương Ba, Phần II. Phẩm Người đóng xe, Người buôn bán, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.147-148.

[11] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Tăng Chi Bộ, Tập 1, Chương Ba, Phần II. Phẩm Người đóng xe, Người buôn bán, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.147.

[12] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Tăng Chi Bộ, Tập 1, Chương Ba, Phần II. Phẩm Người đóng xe, Người buôn bán, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.147.

[13] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền, Tăng Chi Bộ, Tập 1, Chương Bốn. Phẩm nghiệp công đức. Tr.420-421

XEM NHIỀU