Trong đời sống xã hội, sự tu tập tâm linh thường được xem là đối lập với lĩnh vực kinh tế. Một bên theo đuổi sự an tịnh tâm linh còn một bên theo đuổi những thành tựu vật chất. Phật Giáo vì thế thường bị xem là không đồng hành với hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, căn cứ trên một số kinh Phật, hai giá trị mà hai đối tượng này đang theo đuổi không nhất thiết phải tách biệt, trái lại chúng có thể đan xen hỗ trợ nhau để xây dựng một cộng đồng phồn thịnh và hạnh phúc. Những lời dạy của Đức Phật về vấn đề kinh tế dù cổ xưa nhưng vẫn thể hiện được tính thiết thực và tinh tế, khơi gợi cho chúng ta về cách làm thế nào để cân bằng giữa lợi nhuận kinh tế và lòng từ bi nhân ái để đạt được sự hài hòa và hạnh phúc.
Trước khi bàn đến vấn đề hoạt động kinh tế trong môi trường Phật Giáo, chúng ta cần minh định nhân tố làm kinh tế. Phật Giáo là cộng đồng đệ tử Phật gồm những người xuất gia và tại gia. Trên đại thể, đệ tử Phật lấy Chánh mạng, một trong tám Chánh đạo, làm sự nghiệp. Trong đó, giới xuất gia lấy sự tinh tu “giới – định – tuệ” làm Chánh mạng, tránh xa các hoạt động kinh doanh sản xuất. Giới tại gia là những người sống có gia đình nhưng mến đạo và học đạo. Họ sống ràng buộc trong các mối quan hệ xã hội, hành động dựa trên những hệ giá trị mà xã hội quy định. Đây chính là nhân tố hoạt động của kinh tế Phật Giáo. Chánh mạng của người Phật tử tại gia là không làm các nghề gây hại cho kẻ khác mà kinh Phật thường kể ra năm nghề gọi là tà mạng: “buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, và buôn bán thuốc độc. Năm nghề buôn bán này, này các Tỳ kheo, người cư sĩ không nên làm.”[1]
Đức Phật dạy, có hai loại hạnh phúc. Một là, hạnh phúc do xả bỏ; hai là, hạnh phúc do sở hữu một cách chân chánh. Người Phật tử tại gia làm kinh tế là nhắm đến loại hạnh phúc thứ hai này. Từ nền tảng của loại hạnh phúc do sở hữu tài sản, người Phật tử tu tập và học thêm pháp xả bỏ để có được hạnh phúc bền vững chân thực.
Đức Phật dạy về hạnh tri túc (hạnh biết đủ) nhưng tuyệt đối không cổ xúy sự nghèo đói, nhất là với người Phật tử tại gia hộ pháp. Bởi vì, phụng sự Tăng già hoằng dương Chánh Pháp là một nhiệm vụ thiêng liêng mang lại nhiều công đức. Vì thế, người Phật tử tại gia được Đức Phật khuyến khích làm kinh tế, tích chứa tài sản, và sử dụng tài sản của mình một cách hợp lý để đạt được hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt dạy:
Người trí giữ giới luật,
Sáng như lửa đồi cao.
Người tích trữ tài sản,
Như cử chỉ con ong.
Tài sản được chồng chất,
Như ụ mối đùn cao,
Người cư xử như vậy,
Chất chứa các tài sản,
Vừa đủ để lợi ích
Cho chính gia đình mình.
Tài sản cần chia bốn
Ðể kết hợp bạn bè:
Một phần mình an hưởng,
Hai phần dành công việc,
Phần tư, phần để dành,
Phòng khó khăn hoạn nạn.[2]
Trong đoạn kinh trên, Đức Phật dạy hàng đệ tử tại gia phải biết siêng năng lao động để tích lũy tài sản một cách hợp pháp. Tuy nhiên, Ngài không dừng lại ở đó mà còn dạy thêm rằng phải biết sử dụng tài sản đó như thế nào cho thích hợp. Đó mới là điều quan trọng đối với người đệ tử Phật.
Tiêu Dùng: San Sẻ và Yêu Thương
Đức Phật dạy, đối với tài sản hay lợi nhuận có được, nên dùng một phần (trong bốn phần) cho chi tiêu hằng ngày. Chi tiêu không phải là bản thân hưởng thụ thỏa thích trong khi bỏ quên những người xung quanh. Sống trong xã hội, con người được tạo thành từ các mối quan hệ như cha mẹ, vợ chồng con cái, thầy, bạn, người làm, và cuối cùng là các vị xuất gia tu đạo giải thoát. Đối với các mối quan hệ này, mọi người đều có trách nhiệm. Hơn nữa, người Phật tử học hạnh sống biết ơn và phụng sự cũng như lòng vị tha. Cho nên, sự chi tiêu của họ không chỉ dành riêng cho bản thân mà còn cho những người xung quanh, củng cố các mối quan hệ xã hội để đạt được sự hài hòa trong cuộc sống.
Đối với một người Phật tử tại gia, công việc vẫn luôn được ưu tiên cho nên Đức Phật dạy dành hai phần tài sản cũng như lợi nhuận cho công việc. Sản xuất, kinh doanh hay lao động tạo ra của cải để nuôi sống bản thân, gia đình và cống hiến cho xã hội là việc cần làm, nhưng điều quan trọng là làm việc đúng đạo đức và trách nhiệm. Phật tử làm kinh tế không nên chỉ tìm kiếm lợi ích cho bản thân mà phải xem xét tác động của công việc đối với môi trường và cộng đồng xã hội. Người Phật tử cần phải cân nhắc lựa chọn các chiến lược lợi mình lợi người, không để lợi ích của mình gây ra thiệt hại cho người khác cũng như môi trường xung quanh. Nói theo thuyết trò chơi, chiến lược kinh tế của người Phật tử phải có tổng bằng dương chứ không được bằng không, càng tuyệt đối không được âm.
Có thể nói, mô hình sản xuất kinh doanh theo triết lý Phật Giáo là mô hình có trách nhiệm xã hội. Thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận tối đa, người Phật tử doanh nhân cần phải xem xét đến việc tạo ra các giá trị cho xã hội và môi trường. Điều này có thể bao gồm việc xây dựng các chương trình hỗ trợ cho cộng đồng địa phương, giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường, và tạo điều kiện làm việc công bằng và an toàn cho nhân viên.
Chúng ta sống trong một thế giới biến động luôn chịu tác động của con sóng vô thường. Cho nên, việc dự trữ nguồn lực tài chính được xem là một phần quan trọng của việc quản lý tài chính. Theo lời Phật dạy, người Phật tử cũng cần phải có sự cân bằng và ổn định trong việc quản lý tài chính, bằng cách dành một phần của lợi nhuận để tiết kiệm và đầu tư vào tương lai.
Việc dự trữ nguồn lực tài chính không chỉ mang lại sự an tâm cho bản thân mà còn tạo cơ hội cho sự phát triển và mở rộng trong tương lai. Đó không chỉ là sự tích lũy tài sản mà còn là việc xây dựng một nền tài chính vững mạnh, giúp họ tự do và độc lập trong quyết định và hành động của mình.
Tóm lại, sự hòa hợp giữa triết lý Phật Giáo và sản xuất kinh doanh là hướng phát triển kinh tế nhân văn cần thiết cho thế giới ngày nay. Người đệ tử Phật cần phải kết hợp hài hòa giữa lợi nhuận và tâm đại bi trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày. Thay vì xem hai giá trị này là đối lập, chúng ta nên nhìn nhận chúng như là một phần không thể thiếu của nhau, tạo ra sự cân bằng và hài hòa trong một thế giới dung nhiếp của Nhất Thể. Sự kết hợp này không chỉ tạo ra giá trị cho bản thân mà còn đóng góp vào sự phát triển của xã hội và hạnh phúc chung. Sự hài hòa và hạnh phúc chỉ có thể đạt được khi chúng ta kết hợp lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng.
Hải Lạc, 10/3/2024
Thư mục tham khảo:
Minh Châu, Thích [dịch]. Kinh Trường Bộ. 2 tập. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991.
[dịch]. Kinh Tăng Chi Bộ. 4 tập. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996.
[1] Xem Minh Châu, Tăng Chi Bộ, tập II, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Người buôn bán, 646.
[2] Kinh Trường Bộ, tập II, (31) kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt.
Đồng Tháp: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh triển khai hoạt động Phật sự
Đồng Nai: Khai giảng Lớp Cao đẳng Phật học hệ chuyên khoa, niên khóa 2024-2026
Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Quan Hóa
Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024