Thứ hai, 03/06/2024 21:55:07 (UTC+7) 5,644,001

Ông Minh Tuệ đã thành Phật chưa?

Có nhiều người vì yêu mến sư Minh Tuệ mà phong thánh cho ông, thậm chí không ngần ngại gọi ông là “Phật sống”, trong khi chính ông vẫn luôn lặp lại rằng, ông chỉ đang đi tập học, “chưa có cái gì hết”. Ông cũng nói với mọi người rằng đừng có đi theo nữa vì người tu cần phải có thời gian để tu tập, thiền định; cũng đừng có đảnh lễ vì ông chỉ đang học chứ chưa có chứng ngộ gì cả. Ông nói rằng ông không giảng pháp cũng không nhận đệ tử, chỉ khi nào giác ngộ ông mới làm những việc ấy. Ta có nên tin lời ông nói không, hay ông đã “thành Phật” nhưng “khiêm tốn” mà cố tình nói thế?

Không biết các vị thế nào, riêng tôi thì tin. Nếu chúng ta biết chút ít về thiền định và con đường tu tập đến giác ngộ của các hành giả Phật giáo, ta sẽ thấy nó khó hơn mọi thứ trên đời này. Như trong kinh sách miêu tả, để đạt được sự giác ngộ, hành giả phải trải qua 9 tầng thiền, từ Sơ thiền đến Diệt tận định. Chúng rất phức tạp, vi tế và đòi hỏi một sự tập trung lâu dài, tư duy và minh sát cao độ. Cũng vì thế, tu mà không đúng cách, thiếu đi sự dẫn dắt của một vị thầy hay sự hiểu biết chưa được trang bị đầy đủ thì rất dễ bị tẩu hỏa nhập ma.
Hình dung nôm na thế này cho dễ hiểu về sự khó khăn của tu thiền định. Nếu có một người nào đó đã có thể nhập định hàng tháng trời, không ăn, không uống, hơi thở cũng gần như dứt tuyệt thì chưa chắc họ đã chứng đắc được điều gì đáng kể, mà rất có thể họ chỉ đang ở những tầng thiền ban đầu. Tóm lại vẫn là phàm phu. Để đạt được trí tuệ lớn (chưa nói là giác ngộ viên mãn), người tu phải vào sâu trong các tầng thiền tiếp theo. Cũng nói thêm, thiền không phải của riêng Phật giáo. Trước khi Phật Thích Ca chứng đạo thì đã có rất nhiều môn phái tu thiền và họ cũng đạt được những kết quả siêu việt. Nhưng Phật thấy rằng đó chưa phải là cứu cánh, ông tiếp tục vượt qua bằng con đường riêng của mình, cho đến khi “đại triệt đại ngộ”, chứng được chân lý vô thượng.
Giữ giới hay tu hạnh đầu đà là gì? Giống như người đi học ở trường lớp ngoài xã hội, đó mới chỉ là học nội quy, bồi bổ sức khỏe và tuân giữ những nề nếp sinh hoạt theo quy định của nhà trường. Nó giúp người học có được sức khỏe tốt và sự tập trung cho việc học sắp tới. Nhưng, rõ ràng, bản thân tất cả những việc ấy vẫn chưa phải là học chuyên ngành. Không ai đi học mà đến trường chỉ tuân thủ mọi nội quy và tích cực dọn vệ sinh mà được cấp bằng tốt nghiệp cả, dù người đó có làm hoàn hảo tới đâu.
Giới và các hạnh (như hạnh đầu đà) là bước chuẩn bị về thân và tâm, giống như dọn nền, làm móng, hoàn toàn chưa phải là căn nhà. Một người tu nếu chỉ dừng lại ở đây, dù có dọn sạch đến bao nhiêu và xây được cái móng kiên cố đến chừng nào đi nữa mà không thực hiện được các phương pháp hành trì (ví dụ như thiền định) thì cùng lắm chỉ là một người tốt, dù đó là người tốt nhất trong loài người.
Không nên nhầm lẫn giữa việc giữ giới và hành các hạnh lành này với việc tu chứng. Tôi nghĩ, một người có ý chí sắt đá và quyết tâm dũng mãnh có một không hai hiện nay như hành giả Minh Tuệ, cơ bản ông đã dọn sạch đất nền và đang xây móng cho căn nhà tương lai. Việc đi theo quấy quả, náo loạn suốt ngày đêm hay tôn ông lên thành thánh, thành Phật là một nhìn nhận rất sai lầm.
Là một người kính trọng những bậc trí tuệ, tôi thà không thấy một Minh Tuệ trên truyền thông được/ bị thiên hạ dùng để phê phán những kẻ giả tu; thay vào đó là một Minh Tuệ không ai biết đến và đang miên mật hành trì cho đến thành tựu trí tuệ lớn/ viên mãn. Lúc đó ông bước ra, thì xã hội này (thậm chí là nhân loại) sẽ được hưởng những thành quả lớn lao (dù có thể ông không nghĩ đến việc ấy). Còn với tình trạng bủa vây, săn đuổi như hiện nay có thể cái móng kia sẽ thành bãi hoang, cỏ dại và gai góc mọc đầy (đó là chưa nói đến việc ông có thể sẽ phải hứng chịu những tai họa giấu mặt). Đau tiếc lắm, với những gì đang diễn ra, chúng ta có thể sẽ mãi mãi mất đi một bậc đại sĩ trong tương lai.

XEM NHIỀU