Thứ bảy, 04/05/2024 15:58:04 (UTC+7) 144

Nghĩa cử cao đẹp của con người đối với xã hội

Xã hội là một tổ hợp bởi nhiều phần tử có liên hệ về sự sinh hoạt. Trong sự sống còn của loài người được sung sướng hay đau khổ là phản ảnh của xã hội thịnh đạt hay suy vong.

Nghĩa cử cao đẹp của con người đối với xã hội

Ông Mai Đình Kiêm, Giám đốc SAGOCA

Xã hội thịnh đạt hay suy vong là hiện thân của con người tinh tiến hay biếng nhác, hiểu biết hay ngu si. Cho nên nghĩa vụ con người đối với xã hội không phải là không cần thiết.

Ta không cần phước báo nào cả đến phước báo được tái sinh ở một nơi Cực-lạc. Nhưng, ta tìm tòi sự lợi lạc cho loài người. Ta tìm cách làm cho những kẻ lạc đường biết quay trở lại. Soi đường cho những kẻ sống trong tối tăm và lầm lỗi. Làm cho tan biến hết mọi phiền não và đau thương.

Muốn làm cho đời hết mọi phiền não và đau thương cần nhất phải chứng nhập chân lý của sự vật, dùng chân lý hướng dẫn chúng sinh như trong kinh Độ -Thế nói: “Nắm ngọn đuốc pháp chiếu khắp mười phương, phá tan đen tối, làm cho ai nấy đều được bước lên đường quang minh của Phật”.

Tiến tới đường quang minh của Phật không phải xa xôi mà tự ngay nơi vững tin, gắng làm và phát nguyện của chúng ta biết hướng về toàn thể. Kinh Hoa – Nghiêm nói : Bồ Tát có phước đức lớn, có tâm rộng rãi, có chánh niệm quán sát nên không thoát thác công việc độ sinh mà Bồ Tát thường vì sự lợi ích cho tất cả chúng sinh siêng tu pháp lành và chưa từng lầm khởi những ý niệm từ bỏ chúng sinh… Dùng giáp trụ đại nguyện của Bồ Tát để trang nghiêm, cứu hộ chúng sinh nên Bồ Tát luôn luôn tiến tới chứ không lui chuyển….

Căn cứ vào giáo lý trên đây đã đem lại cho chúng ta một đường đi rõ ràng trong sự thực hiện nghĩa vụ của chúng ta giữa xã hội:

Phải hiểu biết và tận tâm:

Trước một nghĩa cử gì nếu chúng ta không hiểu biết rõ ràng, chúng ta không nên làm và nếu chúng ta làm phải thể nhập sự thật, hướng theo sự thật, đem lại lợi ích chung cho cá nhân và xã hội. Chúng ta tự nhận mình là một cá nhân trong xã hội, chúng ta nhờ xã hội mà sống và ngược lại, nên chúng ta phải dám nhận là vị Bồ Tát hy sinh, tận tâm làm việc cho xã hội. Bất cứ trường hợp nào, điều kiện gì, hy sinh đến mức nào mà những công việc ấy có tính cách xã hội, lợi ích cho toàn thể thì phải cố gắng thực hành, không sờn lòng nản bước hay chậm trễ.

Phải thân ái với nhau:

Kinh Trường A-Hàm nói: Bậc Hiền biết hòa giải những người chia rẽ, kết chặt những người đồng tâm nhất chí…. Ta là người, người là ta. Tất cả những cái ta muốn là người muốn, những cái ta không muốn tức là người cũng không muốn. Chúng ta cố gắng nói, nghĩ, làm như bậc Hiền, luôn luôn thân mật, yêu mến nhau, sống chung với nhau trong sáu điều hòa kính của Phật:

  • Thân hòa: Chung sống an bình,
  • Khẩu hòa: Nói lời êm dịu,
  • Ý hòa: Vui vẻ chân thành,
  • Kiến hòa: Giúp thêm hiểu biết,
  • Giới hòa: Cùng tu, cùng tiến,
  • Lợi hòa: Quyền lợi đồng đều.

Phải giúp đỡ nhau

Theo nghiệp lực của nhân quả, con người có những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau: đâu là thông minh, ngu muội, khỏe mạnh, ốm yếu, đâu là sung sướng, đau khổ… Do đó chúng ta có nghĩa vụ phải giúp đỡ nhau tùy theo hoàn cảnh và năng lực của mình, như giúp đỡ tiền của, thuốc thang, cơm áo, giúp đỡ sách, vở, báo chí hay dạy học, giúp đỡ bằng lời an ủi hay hy sinh cứu vớt khi lâm nạn v.v… Nhưng, sự giúp đỡ ấy phải thốt ra tự đáy lòng chân thành của chúng ta, như lời Bác sĩ Albert Shwellzer nói: “Một đồng xu nhỏ của một quả phụ thiếu thốn đem cho người nghèo có nhiều giá trị hơn những món quà lớn của nhà triệu phú tặng kẻ bần hèn, nếu đồng xu nhỏ ấy là tất cả gia sản của quả phụ”.

Phải dạy bảo nhau

Đã thân yêu nhau, đã giúp đỡ nhau phải dạy bảo nhau cùng hiểu biết về chân lý, về sự nghiệp của lẽ sống và đời sống của con người. Chúng ta còn dạy bảo nhau về cách xử thế như đối với mình, với gia đình…, biết tìm hướng đi chân chính:

  • Hiểu biết chân chính: nhận thức sáng suốt và hợp lý.
  • Suy nghĩ chân chính: suy nghĩ không trái với lẽ phải, có lợi cho mình cho người.
  • Lời nói chân chính: nói những lời có ích lợi chính đáng.
  • Hành động chân chính: hành vi, động tác chân chính và ích lợi.
  • Lẽ sống chân chính: nghề nghiệp sinh sống chính đáng, lương thiện, không bạo tàn, ty tiện.
  • Siêng năng chân chính: siêng làm những việc chính đáng, có lợi cho mình cho người
  • Nhớ nghĩ chân chính: điểm này có hai loại “Ức niệm” và “Quán niệm”. Ức niệm là nhớ nghĩ cảnh quá khứ. Quán niệm là quán sát cảnh hiện tại và sắp đặt, tưởng tượng cảnh tương lai. Song, dù tưởng việc đã qua, nghĩ việc nay mai cũng đều phải hướng về chỗ hoàn toàn chân chính.
  • Định lực chân chính: tập trung tư tưởng, suy xét sự vật một cách chính đáng.

Được thế, xã hội còn đâu là chia rẽ giai cấp, còn đâu là quyền lợi bất bình đẳng, còn đâu có sự xung đột cạnh tranh, lầm than điêu đứng, còn đâu bị phiền não cấu xé, mà chính là ngọn đuốc sáng, soi tỏ cho con người tiến trên đường chân chính, giải thoát, là nền tảng hòa bình vĩnh viễn, như thật được xây dựng giữa xã hội loài người.

Chúng ta tự nhận lấy nghĩa vụ của chúng ta và cố gắng theo đuổi nó một cách chân thành và bác ái, hãy yêu và kính lý tưởng sống của chính mình vì đó là quê hương tinh thần và xứ sở của tâm hồn chúng ta./.

Mai Kiêm

XEM NHIỀU

27/12/2024 17:00:49

PHẬT GIÁO VIỆT NAM LUÔN HỘ QUỐC AN DÂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

Đại lễ cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa  Việt Nam ra thế giới và góp phần truyền tải thông điệp hòa bình, phát triển bền vững các giá trị nhân văn cốt lõi của Phật giáo đến toàn thể nhân loại. Thân người...
26/12/2024 15:48:53

Hà Nội: Phân ban Ni giới phía Bắc tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động Phật sự năm 2024, đề ra phương hướng công tác năm 2025

Với công tác Hoằng Pháp, để tiếp nối theo dấu chân của đức từ phụ ” cả cuộc đời hoàng dương chính pháp lợi lạc quần sinh”, việc hoằng pháp của Phân ban Ni giới các Tỉnh Thành còn hạn chế, nhưng tất cả chư Ni trong các Tỉnh Thành đều đem...