Đồng Tháp: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh triển khai hoạt động Phật sự
Đồng Kỵ là một làng nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng tại các tỉnh phía Bắc, có gần hai chục nghìn nhân khẩu, trong đó số lao động tham gia làm sản xuất kinh doanh gỗ chiếm hơn 95%, với hơn 200 doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nhân của làng nghề Đồng Kỵ không chỉ biết kinh doanh giỏi, mà còn là những người giác ngộ Phật pháp, là những doanh nhân Phật tử thuần thành. Và ở làng nghề Đồng Kỵ, có những doanh nghiệp thấm nhuần đạo pháp, lấy giáo lý của Đức Phật làm nên tảng hoạt động kinh doanh. Điển hình là công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai.
Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với chị Vũ Thị Mai, nữ tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai, một người phụ nữ xinh đẹp với gương mặt đôn hậu, ngời sáng, đầy khí chất của con cháu bà Trưng, bà Triệu. Cuộc trò chuyện đã đưa chúng tôi đến với môi trường doanh nghiệp Hướng Mai, nơi đạo pháp chảy trong từng mạch sống, như máu huyết chảy khắp cơ thể, đến từng ngóc ngách, nuôi dưỡng, vun bồi, để tạo nên một Hướng Mai thành công, một sự thành công đầy khác biệt. Bởi trong thành công ấy lấp lánh ánh sáng giác ngộ.
Như bao doanh nghiệp khác, công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai hoạt động kinh doanh trong xã hội hiện đại đầy bất định và cạnh tranh gay gắt. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải chấp nhận những luật lệ của cuộc chơi: thương trường là chiến trường. Thành hay bại phụ thuộc nhiều yếu tố. Sẽ chẳng có gì để nói nhiều nếu Hướng Mai không đi đầu trong việc áp dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống doanh nghiệp. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh việc Hướng Mai đã đưa giáo lý nhà Phật vào doanh nghiệp như thế nào và đã đạt được những hiệu quả ra sao. Và chúng tôi đã ngỡ ngàng khi nghe lời kể của nữ tổng giám đốc…
Sản phẩm của Hướng Mai là đồ gỗ mỹ nghệ. Đã nói đến mỹ nghệ thì cái đẹp phải đi đầu. Chủ trương của công ty luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Là một doanh nghiệp vừa sản xuất vừa kinh doanh, nên kết quả kinh doanh phụ thuộc vào chính sản phẩm mình làm ra, mà chất lượng sản phẩm lại phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ. Đặc thù nghề thủ công mỹ nghệ là sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ ở địa phương, phần lớn là lao động phổ thông, nên việc đưa họ vào khuôn khổ của một tổ chức rất khó khăn, chưa kể đến việc làm sao để họ đặt tâm mình vào công việc. Điều may mắn của mỹ nghệ Hướng Mai chính là sự giác ngộ của người đứng đầu doanh nghiệp. Nữ tổng giám đốc công ty Hướng Mai là một Phật tử thuần thành. Thấu hiểu sâu sắc những giá trị của đạo pháp và trực tiếp thọ nhận lợi lạc trong việc ứng dụng Phật pháp vào đời sống cá nhân và gia đình, đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng của việc khai tâm cho đội ngũ, lãnh đạo công ty Hướng Mai đã triển khai đưa đạo pháp vào cuộc sống doanh nghiệp. Hướng Mai đã tổ chức đều đặn các khóa tu cho nhân viên, mời quý tăng ni về giảng pháp. Vì đội ngũ công nhân viên phần lớn là lao động phổ thông, nên việc khai mở lúc đầu có khó khăn, nhưng bằng sự quyết tâm của lãnh đạo công ty, lâu dần, đội ngũ cũng thấm được giáo lý nhà Phật và cuộc sống của họ thay đổi, an lạc hơn, thiện lành hơn.
Khi nhân tâm được khai mở, đội ngũ công nhân viên thấm nhuần luật nhân quả, hiểu lời Phật dạy, họ đã phụng sự trên tinh thần đạo pháp. Theo lời kể của chị Vũ Thị Mai, đội ngũ của chị đang sống và làm việc trên nền tảng những lời Phật dạy: “sau khi được học Phật pháp, đội ngũ nhân viên đã học cách sống và cách nghĩ thiện lành, trên tinh thần làm lành lánh ác, thấu triệt nguyên tắc chỉ nói tốt về người khác, với khách hàng cần tôn trọng tuyệt đối…”. Khi được tiếp cận với giáo lý nhà Phật, công nhân viên biết tu dưỡng thân tâm, làm việc với tinh thần phụng sự: lấy đức làm gốc, đặt tâm vào sản phẩm. Đặc biệt: “Hướng Mai có rất nhiều sản phẩm trong lĩnh vực tâm linh, trong đó có tạo tượng Phật. Trong quá trình sản xuất, mỗi khi tạo tượng Phật, các nghệ nhân rất hoan hỉ, nhiều người phát nguyện ăn chay cho tâm thanh tịnh. Thành phẩm họ tạo ra đẹp lắm, và tướng mạo của chính họ cũng thay đổi, sự an lạc, tự tại được hiện lên trên nét mặt. Đó chính là phước báu họ nhận được khi tạo tượng Phật”. Thì ra, khi con người ta đặt hết tâm mình vào mỗi hành vi, cử chỉ, toàn bộ tâm lượng được gửi gắm vào từng chi tiết, thì sản phẩm họ làm ra, dù có chưa hoàn hảo, cũng đã bừng sáng và mang thông điệp yêu thương rồi. Và, thông điệp đó được truyền đi, ánh sáng đó đó được lan tỏa tới khách hàng. “Trao yêu thương, nhận yêu thương”, cũng là một lẽ tự nhiên của lý nhân quả, khách hàng cảm nhận được thông điệp qua sản phẩm.
Không những đưa giáo lý của đạo Phật vào hoạt động doanh nghiệp, đến từng cá nhân trong công ty, và mỗi sản phẩm của Hướng Mai đều được tạo nên từ tâm của những người con Phật, Hướng Mai còn lan tỏa tinh thần Phật pháp đến khách hàng. Những khách hàng đến thăm Showroom đều được tặng Kinh sách “Hướng Mai tặng hàng ngàn đĩa CD “Đường Xưa Mây Trắng” và các bản Kinh đơn giản, dễ hiểu, như Kinh Phước Đức, Kinh Bát Chánh Đạo…cho khách hàng. Nhiều khách hàng nghe và phản hồi là rất xúc động, họ đã chuyển hóa tâm thức, làm theo những lời Phật dạy”, chị Vũ Thị Mai chia sẻ.
Một doanh nghiệp lấy đạo tâm làm nền tảng hoạt động, lấy những lời Phật dạy làm ngọn đèn để dẫn dắt từng bước đi như vậy, thì sự thành công, thịnh vượng là tất yếu. Câu chuyện của chúng tôi hoàn toàn không đả động đến vấn đề doanh thu của công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai, nhưng chỉ nhìn quy mô sản xuất với hàng trăm công nhân, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng chục ngàn mét vuông tại trung tâm thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, thì có thể hình dung Hướng Mai đã phát triển thịnh vượng như thế nào. Được biết, sản phẩm của Hướng Mai đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, thành quả của công ty Hướng Mai đã được thể hiện bằng sự ghi nhận và tôn vinh của xã hội và cộng đồng. Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai được đánh giá là một trong những đơn vị uy tín trong làng nghề Đồng Kỵ, được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế-xã hội. Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai được ghi danh trên trang kỷ lục của Trung ương hội kỷ lục gia Việt Nam – Tổ chức kỷ lục Việt Nam – Vietkings vào năm 2018. Âu đó cũng là kết quả của tất yếu của một doanh nghiệp biết ứng dụng đạo pháp, đưa những lời Phật dạy vào cuộc sống doanh nghiệp, để đạo pháp chảy trong từng mạch sống, để mỗi sản phẩm là một thông điệp của tỉnh thức, yêu thương.
Đồng Tháp: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh triển khai hoạt động Phật sự
Đồng Nai: Khai giảng Lớp Cao đẳng Phật học hệ chuyên khoa, niên khóa 2024-2026
Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Quan Hóa
Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024
Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng