Thứ ba, 30/04/2024 07:27:43 (UTC+7) 202

Từ bi và trí tuệ phải cân bằng

Trí tuệ và từ bi phải đi song đôi, phải cân bằng không được chênh lệch. Có trí tuệ mà thiếu từ bi là trí tuệ khô (càn tuệ), có từ bi mà không trí tuệ là từ bi mù quáng (si từ).

Từ bi và trí tuệ phải cân bằng

Sức mạnh của từ bi và trí tuệ

Thái tử Tất-đạt-đa nếu không giác ngộ dưới cội bồ-đề thì không có đạo Phật.

Bản thân đạo Phật là giác ngộ, không giác ngộ là không phải đạo Phật. Những bậc tu hành chứng đạo quả đều là người giác ngộ.

Bồ-tát là Hữu tình giác hay Giác hữu tình; Duyên giác là giác ngộ pháp nhân duyên; A-la-hán là giác ngộ pháp Tứ đế. Chư Tổ truyền thừa chánh pháp liên tục trên hai ngàn năm cũng là truyền thừa sự giác ngộ. Người sau minh họa sự truyền thừa ấy bằng hình ảnh “trao đèn nối đuốc” (truyền đăng tục diệm), tức là đèn tuệ thường chiếu rọi, đuốc tuệ mãi soi đường.

Trí tuệ là ngọn đèn, là cây đuốc soi sáng đưa người ra khỏi lối mê vô minh. Cho nên giáo pháp Phật dạy, pháp nào cũng đặt trí tuệ là trọng yếu.

Các kinh A-hàm nói pháp Bát chánh đạo thì hai đạo đầu là Chánh kiến, Chánh tư duy. Kinh Bát-nhã nói pháp Lục độ thì hai độ cuối là Thiền định, Trí tuệ.

Người mới vào đạo phải học Tam tuệ: Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ. Những kẻ tu hành tiến sâu vào giải thoát phải thực hành: Giới luật, Thiền định, Trí tuệ. Các cấp bậc người tu khác nhau đều căn cứ giác ngộ làm vị thứ. Phân chia giáo lý cao thấp đều lấy trí tuệ làm nền tảng.

Đạo Phật xem trọng trí tuệ, vì nó là ngọn đèn soi sáng khiến người tu thấy được chân lý của cuộc đời, cũng nhờ ngọn đuốc trí tuệ soi đường người tu thoát khỏi cái khổ đêm dài u tối vô minh. Cũng nhờ đèn đuốc trí tuệ người tu mới hướng dẫn được những kẻ lầm đường lạc lối tránh khỏi sa hố sụp hầm.

Nếu không có trí tuệ, chẳng biết người tu sẽ làm gì để cứu độ chúng sanh.

Nhân loại hiện nay cũng biết quí trọng chất xám, vì chất xám ném vào nông nghiệp thì đất đai mầu mỡ thu hoạch vượt trội; chất xám ném vào công nghiệp thì kỹ thuật tiên tiến, thành phẩm xuất sắc; chất xám ném vào chánh trị thì quốc gia hưng thạnh, xã hội văn minh…

Chất xám giải quyết được sự thiếu thốn nghèo nàn của những quốc gia chậm tiến. Nhờ biết sử dụng chất xám, các quốc gia lạc hậu chậm tiến được vươn lên.

Đạo Phật xem trọng trí tuệ ngang hàng với từ bi.

Trí tuệ và từ bi phải đi song đôi, phải cân bằng không được chênh lệch. Có trí tuệ mà thiếu từ bi là trí tuệ khô (càn tuệ), có từ bi mà không trí tuệ là từ bi mù quáng (si từ). Từ bi và trí tuệ như chim hai cánh, chích một cánh là không thể bay được.

Song trên thế giới ngày nay người ta đầu tư quá nhiều cho chất xám, ít ai chịu đầu tư cho con tim. Có chất xám mà thiếu con tim thì chất xám sẽ bị bại hoại.

Sự mất thăng bằng này là một tai họa không thể lường của nhân loại về sau.

Trích trong: Tại sao tôi tu theo đạo Phật?

XEM NHIỀU