Thứ ba, 30/04/2024 07:25:58 (UTC+7) 136

Làm thế nào để niệm Phật trong chánh niệm?

Niệm sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật tưởng dễ mà không hề dễ chút nào. Bởi mỗi khi chúng ta khởi lên một câu Phật hiệu thì kèm theo đó là những vọng tưởng khởi lên. Bài viết với mong muốn giúp người học Phật tìm được sự nhất tâm trong câu niệm Phật.

Trước hết, chúng ta phải biết rằng pháp môn niệm Phật không phải chỉ trong Tịnh Độ Tông mà đã có từ Phật giáo nguyên thủy, chỉ có điều tổ Tịnh Độ đã khéo léo biến sáu chữ hồng danh thành một pháp môn tu thù thắng mà thôi. Tương tự, Thiền hay Tịnh độ thật chất đều là một. Thiền, Tịnh, Mật là 3 tông phái trong 10 tông phái căn bản của Phật giáo Trung Hoa. Việt Nam gần như ảnh hưởng tất cả các tông phái tại Trung Hoa nhưng không rõ ràng.

Ở nước ta, ba tông phái được biết đến nhiều nhất là Thiền, Tịnh, Mật, bên cạnh đó có ảnh hưởng dòng tu Pháp Hoa tông. Chúng ta phải biết, Thiền – Tịnh – Mật là 3 tông phái quan trọng như là kiềng ba chân trong Phật giáo. Tuy nhiên, dù Tông nào cũng là phương tiên sau thời Phật nhập Niết Bàn cả. Quá trình phân phái, phân tông là quá trình của các tổ về sau. Cho nên, nếu pháp môn nào đó mà không có thiền thì không phải pháp môn của Phật giáo. Người tu Thiền tông đi vào thiền bằng con đường thiền. Người tu mật tông đi vào thiền bằng mật tông. Người tu Tịnh độ đi vào thiền bằng Tịnh độ tông. Như vậy, khi con người niệm Phật an trú được trong chánh niệm cũng là Thiền vậy.

Khi thực hành và tu trì pháp môn niệm Phật, Phật tử bước đầu đều luôn gặp phải những chướng ngại khó tỏ bày. Chẳng hạn, một vấn đề hiện nay mà nhiều Phật tử đang mắc phải là nên niệm A Mi Đà Phật hay A Di Đà Phật. Vấn đề này nhiều người đang tranh cãi, bản thân người viết khi tham dự các khóa tu cũng hay mắc phải. Đó là ở đạo tràng chuyên niệm A Mi Đà Phật mà mình hay niệm A Di Đà Phật, tự nhiên thấy xáo trộn và phải niệm theo tiếng A Mi Đà Phật cùng đại chúng hoặc ngược lại. Như vậy, chúng ta đọc A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật đều được cả. Điều quan trọng là nhất tâm niệm Phật, thường trú trong chánh niệm.

Vậy làm thế nào để chúng ta giữ được chánh niệm?

Phương pháp niệm Phật gồm có lục niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Niệm Phật là niệm ân đức của Đức Phật, niệm sự giác ngộ. Niệm Pháp là niệm những lời dạy của đức Phật, tư duy chánh pháp. Niệm Tăng là niệm ân đức của Tăng, niệm về đức tính hòa hợp, thanh tịnh. Niệm giới là niệm các giới pháp chúng ta đã thọ. Niệm thí là ban tặng, nghĩ đến lòng từ bi, chia sẽ với chúng sinh. Niệm Thiên là niệm về phúc đức của chữ thiên, có kinh thì cho rằng niệm Thiên là niệm về thập thiện. Sau này, người ta tách niệm Phật là niệm ân đức của đức Phật, là phương pháp tu truyền thống trong Tịnh Độ tông. Niệm Phật giúp chúng ta có sự yên tâm, nhiếp tâm, giữ gìn chánh niệm là nhất tâm bất loạn. Tuy nhiên, con người chúng ta sống bao nhiêu năm trên cuộc đời từ bị nhiễm ô biết bao nhiêu ý niệm tham, sân, si. Vì thế, một khi nhất tâm niệm Phật, mong lau đi những bụi mờ, tạp niệm phủ bám trong tâm thật khó biết bao. Bởi một người khi mới bắt đầu tu trì pháp môn Tịnh Độ, khi niệm Phật sẽ luôn bị những ý nghĩ “chen ngang” câu niệm Phật. Những lúc như thế, chúng ta thường bực bội, coi các vọng động về danh, tài, vật, sắc ấy là kẻ thù của mình. Thế nhưng chúng ta cần  phải hiểu rõ: bản chất của con người là luôn có vọng tưởng và vì chúng ta không khéo tư duy nên mới không biết mình có vọng tưởng mà thôi. Vậy làm thế nào để chúng ta niệm Phật mà không có vọng tưởng. Chúng ta không nên nghĩ phải cố bỏ vọng tưởng là vọng tưởng dứt sạch mà phải biết đâu là câu niệm Phật, đâu là vọng tưởng. Khi niệm Phật, vọng tưởng khởi lên hãy để nó tự sinh rồi tự diệt. Bởi dù câu Phật hiệu là tươi mát hay vọng tưởng là xấu xa thì tất cả cùng từ tâm ta mà sinh ra. Nếu muốn giết vọng tưởng cũng là giết chính mình. Một khi niệm Phật có tạp niệm, cứ để tạp niệm ấy tự dứt, niệm một câu A Đà Phật có chánh niệm thì thành một chuỗi chánh niệm được ráp vào. Người dụng công phu tu tập đúng cách mới thật sự thấy thân tâm an lạc.

Nếu một người niệm Phật cố gắng loại bỏ những vọng tưởng của chính mình chẳng khác nào giống một vị thiền trong câu chuyện sau: Một thiền sư mỗi khi ngồi thiền lại thấy con nhền nhện rất to. Ông muốn giết nó đi nhưng trước khi giết, ông đến hỏi ý kiến thầy mình. Vị thầy nói rằng, mỗi khi ông ngồi thiền và thấy con nhện, ông muốn giết nó chỗ nào thì dùng mực đánh dấu vào đó. Vì thiền sư kia nghe lời thầy. Đến hôm sau, ông đến bạch thầy, sư phụ ông đã chỉ cho ông thấy vết mực ngay trên bụng của ông. Như vậy, nếu vị thiền sư không tham vấn thầy mình, không biết con nhện đấy thực ra cũng là do tâm mình biến hiện thì suýt chút nữa ông đã mất mạng.

Thông qua một chút “lạm bàn” đối với người học Phật và nhất là những hành giả đang thực hành pháp môn tu Tịnh Độ, chúng tôi mong rằng những kiến giải ấy sẽ giúp tháo gỡ phần nào những chướng mắc của mọi người trên bước đường tu học

Ngọc Linh.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Phatgiaovadoanhnhan.vn

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Phatgiaovadoanhnhan.vn mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@phatgiaovadoanhnhan.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

XEM NHIỀU