PHẬT GIÁO VIỆT NAM LUÔN HỘ QUỐC AN DÂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC
Trong tiết trời xuân mát mẻ, những tia nắng đầu ngày lấp ló sau hàng cọ, chuyến xe hành hương của chúng tôi đang bon bon chạy trên các nẻo đường đất Ấn.
Dưới bầu trời trong xanh, những cánh đồng lúa mì xanh rì, thi thoảng xuất hiện đôi ba vạc cải mù tạc điểm sắc vàng cho bức tranh phong cảnh miền quê nghèo. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến hình ảnh những ngôi nhà gạch cũ, những làn khói bụi bay mù mịt, những rác, những gia súc và những khuôn mặt người hằn lên sự khổ đau. Chuỗi ngày hành hương về đất Phật có lẽ là khoảnh khắc mãi mãi lắng đọc trong tâm can tôi với rất nhiều cung bậc cảm xúc không sao diễn tả bằng lời. Một cuộc hành trình trở về với sự hân hoan, khắc khoải và vỡ oà. Ví như một kẻ đi lạc trong bóng tối đã tìm được ánh sáng duy nhất nơi cuối đường hầm. Ví như đứa con thơ dại đi tìm bầu sữa mẹ đầu nguồn ngọt dịu, mát lành, tinh khôi. Đó là hành trình trở về nương tựa Phật.
Những thánh tích cứ lần lượt hiện ra trước mắt, ngay trong từng giây phút ấy, niềm vui sướng, hạnh phúc của người đệ tử phương xa trào dâng trong tôi với sự tôn kính dành cho vị thầy vĩ đại. Đặc biệt, khi nhìn thấy tôn tượng kim thân Đức Phật nhập vô dư y Niết bàn tại bảo tháp, tôi dường như không còn kìm nén được cảm xúc bản thân. Khi ấy, lời của Đức Thế Tôn giảng dạy trước lúc Ngài sắp nhập Niết Bàn như đang vọng lại trong tôi: “Này Ananda ơi! Ngươi chớ buồn rầu khóc than. Như Lai có dạy từ trước rằng những điều sanh lên phải có biệt ly, thay đổi, không sao tránh được. Ananda này! Vật bền vững mà chúng sanh mong mỏi, chúng sanh không thể mong mỏi được do nơi pháp hành đâu. Vật phát sanh bởi nguyên nhân cấu tạo phải có sự tiêu diệt là lẽ tự nhiên…” (trích Kinh Đại Bát Niết Bàn). Chính tại vùng đất Câu Thi Na, nơi khu vườn Sala ngày ấy, Ngài đã ra đi. Chư thiên khắp nơi hội tụ về đây khóc thương bảy ngày bảy đêm.
Hôm nay, những giọt nước mắt của người con Phật vẫn tiếp tục rơi xuống. Đó là những giọt nước mắt khóc thương, tri ân, tưởng nhớ một vị thầy, một vị cha già với vô lượng lòng từ. Đó cũng chính là giọt nước mắt thấm đẫm của những kiếp sống khổ đau, ngụp lặn trong vòng luân hồi sinh tử thế gian. Hoặc chăng, đó là dòng lệ của những ai đang tàm quý về sự mê lầm, vô minh và tham ái bản thân nhưng chưa dám bỏ lại để tiến bước theo dấu chân Phật. Đến khi rời khỏi chốn linh thiêng này, còn ai nhớ những giọt nước mắt ấy, còn ai nhớ đến sự cảm thương Đức Thế Tôn mà quay về nương tựa, hành theo lời dạy của Ngài với sự “không dễ duôi”? Câu hỏi ấy như đặt cho chính bản thân tôi. Như một lời nhắc nhở liên tục để mỗi ngày tôi luôn nhớ rằng con đường mình đi là con đường nào, đâu mới là đích đến của mình. Tứ động tâm – giờ tôi mới thấu hiểu được hết ý nghĩa của hai từ “động tâm” là như thế nào. Nó là một sự tiếp sức mãnh liệt dành cho những người phật tử như tôi. Dẫu rằng con đường ấy không dễ dàng, cam go và thử thách với muôn vàn tham ái, vô minh, nghiệp báo giăng dây chằng chịt, mù mịt. Nhưng, vì sự thương tưởng vô bờ bến dành cho một vị Chánh đẳng Chánh giác mà tôi cần phải lên đường ngay từ bây giờ chứ không thể đợi tới ngày mai.
Nơi vùng đất Phật linh thiêng, làn gió nhẹ thổi qua các tán lá bồ đề, mặt trời chiếu sáng thả những giọt nắng ban mai buổi sớm vàng óng ả. Nhắm mắt, tôi cảm nhận mùi hương trầm thoang thoảng bay đâu đây, xa xa vọng lại những tiếng kinh cầu nguyện lẫn trong câu nhạc tụng:
“Buddham Saranam Gacchami
Dhammam Saranam Gacchami
Sangham Saranam Gacchami”
Tôi bắt đầu tưởng nhớ, thành kính tri ân một vị Bồ tát năm xưa đã từng ngồi nơi cội bồ đề để quán chiếu, tu tập trở thành bậc Araham (A La Hán) cao thượng. Từ đó trời, người cùng tất cả chúng sanh ba cõi sáu đường có một vị thầy vĩ đại, một giáo pháp tối thượng, một Tăng đoàn giáo chúng đáng tôn kính mà nương tựa. Nếu như có ai hỏi vì sao tôi lại trở về nương tựa ba ngôi Tam bảo ấy? Câu trả lời sẽ là: “Vì sự tri ân!”. Tôi biết ơn Phật Pháp không vì sự cầu xin được thành tựu ý nguyện. Tôi biết ơn Phật Pháp vì nhờ những kim ngôn của Thế Tôn thông qua các vị minh sư thiện hữu mà tôi được tái sinh lại lần nữa ngay trong kiếp sống này, ngay trong thân xác này. Tôi biết ơn Giáo pháp của Đức Phật vì giúp tôi tự tìm ra con đường đi của chính mình bằng đôi chân và đôi mắt của mình. Tôi biết ơn con đường Chánh pháp của Đức Thế Tôn vì đó là con đường đến để thấy, thấy để tin, tin để thực hành, thực hành để an lạc.
Chỉ biết nói rằng Phật Pháp là thâm sâu, vi diệu. Đó là sự logic, không thiếu tính khoa học, là sự bi mẫn, là tình thương, là kỷ luật, là trí tuệ. Đối với tôi, Phật pháp không phải là một đạo giáo hay tín ngưỡng mà đó là chân lý, sự thật và một sự trải nghiệm tâm linh thú vị. Sự thật thì vĩnh hằng, bất biến nhưng được ẩn trong vạn pháp với bản chất vô thường, khổ, vô ngã. Ai nhìn thấy được cái bất biến đó, người ấy thấy được Phật.
Vì sao tôi gọi Phật pháp là sự trải nghiệm tâm linh thú vị? Vì đó là sự chiêm nghiệm từ trong tâm thức đến những khía cạnh dung dị của cuộc sống hàng ngày. Đó không đơn thuần là một niềm tin vững chắc hay mù quáng mà là cả một quá trình với những suy ngẫm, áp dụng thực tế và nhìn thấy kết quả. Điều ấy không thể gọi là thú vị nếu chỉ thông qua lời kể, lời thuyết phục, lời giảng dạy hay kinh sách từ một ai đó mà phải là tự thân nhìn thấy, hiểu ra, từ đó mà gật gù thầm nhủ: “Ồ ra là thế!”. Giống như một người tự tay trồng hoa, ngoài việc tin rằng sẽ có được những đoá hoa đẹp trước khi gieo hạt giống xuống đất thì người ấy phải dày công chăm sóc, vun bồi và không ít lần thất bại, rút kinh nghiệm để rồi khi đủ duyên hoa sẽ nở. Suốt một quá trình ấy, dù là giai đoạn nào, người trồng hoa cũng sẽ có những trải nghiệm thú vị khác nhau từ lúc hạt giống nảy mầm, lúc lên cây non, lúc cây vươn cao, lúc cây ra lá mới, lúc cây trổ nụ và lúc cây nở hoa. Dĩ nhiên, quả vị lúc tận hưởng những bông hoa xinh đẹp sẽ là quả vị tuyệt vời nhất, thú vị nhất và đẹp nhất.
Những chuyến xe tiếp tục chở đoàn người hành hương từ khắp mọi miền trên thế giới đến với thánh tích Phật giáo tại vùng đất sông Hằng. Bánh xe hành hương vẫn lăn đều trên nẻo đường xa, băng qua các vùng quê nghèo, chở theo những tấm lòng tôn kính Phật và chở theo cả những tham – sân – si trần tục thế gian. Nhớ lúc xưa, khi còn tại thế, Đức Bồ Tát Siddhartha bỏ tất cả để tầm cầu học đạo, sau là Đức Phật Gotama với đôi chân trần bốn mươi lăm năm hoằng pháp chúng sanh, Ngài chỉ mong mỏi chúng sanh có thể bẻ gãy được bánh xe luân hồi như Ngài đã làm. Vậy ai ơi! Đừng mang theo tham – sân – si. Xe nặng lắm rồi! Buông để nhẹ bớt, để đi nhanh hơn, để thanh thản thân tâm, an lạc ngay trong giây phút hiện tại nhé!
Hồ Mỹ Vân
PHẬT GIÁO VIỆT NAM LUÔN HỘ QUỐC AN DÂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC
Kiên Giang: Phiên trù bị Đại hội Đại biểu Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh lần thứ VIII
Huế: Sẽ thành lập Ban Trị sự GHPGVN 2 quận mới Phú Xuân và Thuận Hóa trong năm 2025
Tiền Giang: Ban Trị sự Phật giáo TX.Cai Lậy tổ chức Hội nghị Tổng kết Phật sự năm 2024