Thứ ba, 21/05/2024 23:24:50 (UTC+7) 35,564

Ai rảnh thì đọc, ai rủa thì nghe

Có mấy lần tự nhiên cũng muốn bỏ đi tất cả, quẳng hết mọi thứ, quấn lên người ba tấm đủ mọi loại màu, ôm một vật chứa đại loại như nồi cơm điện hay thau bồn gì đó mà rong ruổi từ nam chí bắc chìa tay xin những vắt cơm, từng nắm xôi của thí chủ để làm nguồn năng lượng nuôi cái thân thể mà đang làm vỏ bọc bên ngoài cho cái tâm hồn vốn đầy dẫy sự ủ rủ, ê chề, uể oải và chán nản này.
Tìm một tụ lạc xin cơm để ăn, kiếm một góc xó duỗi chân mà ngủ. Có thể không thoải mái lắm nơi thể xác, nhưng tâm hồn bảo đảm an yên.
Chỉ là…

Ai rảnh thì đọc, ai rủa thì nghe

Nguyên Quang

Suy đi rồi thì cũng phải ngồi tính lại, tại sao giờ này mình và rất nhiều đồng đạo với mình vẫn còn ở trong cửa chùa mà chưa bước ra khỏi để nhập vào dòng xã hội? Chúng tôi đang vì mục đích chi? Ai thì mình chẳng biết, chứ còn mình, bản thân tự xưng Đại thừa, cỗ xe lớn chuyên chở số lượng nhiều những con người cần gửi gắm, chẳng lẽ bây giờ lại phăng đi tất cả, tháo bỏ khung sườn, chọc xuyên bánh lốp, đạp đổ yên cương để tự lo cho cái sự “Chữa lành” của bản thân hay sao?
Haizzz…
Ai đi cứ để họ đi, ai làm cứ mặc họ làm. Lòng mình cung kính họ, tôn trọng họ, đây là sự thật. Nhưng cung kính bởi sức chịu đựng và ý chí của họ chứ nào phải cung kính vì phương pháp ấy là đúng đắn và tuyệt hảo đâu. Nói đến đây thì cũng đã xác định rồi, ai mắng cũng nghe, ai rủa cũng chịu.
Sự thật vẫn là sự thật.
Một số “tri thức” vẫn thường quen dùng công thức:
“THỜI ĐỨC PHẬT + V-ing + Tân ngữ của một hạnh độc lạ nào đó”
Để làm câu tiền đề cho sự chiến thắng của họ trong mọi tình huống phê phán và chỉ trích những đối tượng mà họ “không thích” chứ chưa chắc họ “đã hiểu” trong Phật giáo hay cụ thể là Tăng đoàn. Người được quần chúng hỷ hoan, người ấy nghiễm nhiên trở thành “Phật trong các Phật, Thánh trong các Thánh, Trời trong các Trời và Chúa trong các Chúa”.
Còn kẻ mà quần chúng thấy chưa hợp nhưng chẳng biết lý do nào chưa hợp và chưa hợp chỉ đơn giản vì chưa hợp (với cách nhìn chứ chẳng được đến mức tư duy của họ) sẽ là Tệ nạn trong Tệ nạn, Hạ tiện trong Hạ tiện. Và, điều đó có y cứ nào chăng? Tất nhiên là không hoặc rất mơ hồ, thiếu thuyết phục!
Vẫn rất thích một câu nói trích từ sách Đúng Việc, với nội dung lược thuật rằng: “Không làm gì, thì chỉ có thể là không Ác chứ chưa chắc là Thiện. Vì bạn chẳng tạo ra được giá trị gì cả”.
Nếu bạn chỉ đi, nhưng chẳng biết đi với mục đích gì, hay giả như là có nhưng chỉ là đi “cho chính bạn” thì thứ giá trị ấy chỉ là “cho mỗi mình bạn”.
Đây là điều mà trong Mahavagga – Đại Phẩm đức Phật đã nói, chứ “không phải tự mình nói”:
“Này các Tỳ kheo, hãy đi VÌ LỢI LẠC CỦA NHIỀU NGƯỜI, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp”.
Rõ ràng, việc đi ấy nên đi vì mục đích. Mình ngưỡng mộ, kính cung việc đi như vậy, mình thích thú việc xin cơm như thế, mình khát khao một cái đầu vô lo vô nghĩ. Nhưng sự thật, mình còn là người “thắp đèn” chứ chẳng phải người đi tìm “ánh sáng cho tự thân” nhưng bỏ sau lưng một khung trời tha nhân rối đen, xám xịt.
Cũng theo triết học Kant, đó là:
“Điều gì đúng thì khi nhân lên cho toàn phần, nó vẫn đúng và sẽ không hoặc rất ít có ngoại lệ hay sự cố”.
Nếu như vậy, điều được nhận định là “đúng” có nghĩa là một Tăng đoàn ai cũng tìm kiếm sự “chữa lành”, già cũng như trẻ, nữ cũng như nam, đều rong ruổi ven đường dọc theo chiều dài của tổ quốc thì than ôi! Nơi nào còn là:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc”?
Và chốn nao vẫn là:
“Nếp sống muôn đời của tổ tông”?
Ngày trước, đức Phật đã đi, nhưng trước khi đi ngài đều quán nhân duyên người có thể hoá độ. Điều đó có nghĩa, đức Phật “đi vì mục đích”, không có mục đích, ngài sẽ chẳng đi.
Đức Phật cũng chẳng sống nơi gò mả, nghĩa trang, và khi Đề Bà Đạt Đa đưa ra “Năm điều kiện khổ hạnh để nâng cao đời sống tu tập của tỳ kheo”, gồm:
1. Chư Tăng bắt buộc phải ở trong rừng, không được sống trong tu viện.
2. Chư Tăng bắt buộc phải ngủ ở dưới gốc cây, không được ngủ ở đâu khác.
3. Chư Tăng bắt buộc phải mặc y phấn tảo (tức là y đi nhặt, lượm ở nghĩa địa, ở những chỗ người ta hỏa thiêu xác người, hoặc ở những bệnh viện những sản phụ người ta thải vải).
4. Chư Tăng phải đi khất thực xin ăn chứ không được nhận sự cúng dường, thỉnh mời của thí chủ.
5. Chư Tăng đi khất thực là không được ăn thịt cá, chỉ được ăn đồ chay.
Đức Phật đã phản đối, và Luật tạng nêu rằng: “Việc cưỡng ép và bắt buộc một tỳ kheo sống theo năm điều này, bị xem là đại ác”.
Chính bản thân đức Phật khi thuyết giảng bài kinh đầu tiên như sự vận chuyển bánh xe Chánh pháp (Kinh Chuyển Pháp Luân) ngài đã nói rất rõ:
“Người xuất gia chân chánh phải từ bỏ hai cực đoan mà tu hành theo con đường Trung đạo. Hai cực đoan ấy là:
1. Sự hưởng thụ dục lạc thái quá.
2. Sự khổ hạnh khắc nghiệt.”
Hai thái cực này đều ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc đến con đường tu Đạo của một hành giả.
Hãy nhìn mà xem, chính đức Phật đã tiếp nhận rất nhiều tinh xá được cúng dường, hay được xem như chùa với cách gọi ngày nay để làm nơi cư trú và tu tập cho các đệ tử, như Trúc Lâm, Kỳ Hoàn, Lộc Uyển, Vườn Xoài, Hoa viên Ca Tỳ La, v.v.
Đức Phật cũng ở tại những tinh xá này để thuyết giảng đạo Giải thoát, hoá độ số đông quần chúng chứ chẳng phải ở dọc đường tụ tập đám đông.
Nếu ai đó nói rằng, đức Phật xiển dương con đường của hạnh Đầu đà, thì có lẽ chưa chuẩn xác. Đức Phật chỉ xem việc tu tập theo hạnh Đầu đà là việc mà “người có khả năng” có thể thực hiện và có phần đáng tán thán chứ hoàn toàn không ủng hộ tuyệt đối, vì chính bản thân đức Phật cũng không tu tập theo hạnh này.
Và hãy nên nhớ rằng, trước khi thành đạo, bản thân đức Phật đã suýt mất mạng do “phép tu khổ hạnh”. Do đó, đừng nên quá cổ suý nó.
Xét theo Kinh tạng Nam truyền, ngài Ma ha Ca Diếp là người thực hành hạnh Đầu đà đệ nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận trên phương diện lịch sử, chúng ta sẽ thấy một cách khách quan rằng, sự thực tiễn và giá trị hoằng pháp của tôn giả Ca Diếp không bao giờ so sánh được với những tôn giả như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên, Phú Lâu Na, A Nan Đà, v.v., những vị Thánh không tu tập theo hạnh ấy.
Các bộ Luật tạng (Tứ Phần, Thập Tụng, Tăng Kỳ, Ngũ Phần) đều chép:
“Việc tỳ kheo du hành vào các thời điểm trong năm chứ chẳng riêng kỳ An cư kiết hạ, nhưng đi không có mục đích thì đó là việc chẳng nên”. Và đôi khi là bị cấm. Có thể tham khảo tại phần An Cư thuộc các bộ Luật trên.
Thêm vào đó, kỳ An cư kiết hạ quy chế chư Tăng ở yên để An cư, nhưng vẫn có phép Thọ nhật để nhận ngày phép ra khỏi kiết giới với mục đích hoằng phương Phật pháp hoặc lo liệu những sự việc “có ích” cho Phật pháp với một hay nhiều đối tượng nhất định. Có thể thấy, điều này nhấn mạnh đặc biệt tính quan trọng trong công cuộc “Lợi tha” theo tinh thần Phật giáo.
Mạn phép quay trở lại mạch văn của nỗi niềm cá nhân. Đó là…
Cũng muốn đi lắm, cũng muốn buông tất cả lắm, nhưng mà…
Đường tu, đường học tu dài đăng đẳng, mình không ra sức vì Phật pháp thì bao nhiêu người sẽ ra sức? Những vấn nạn hiện nay của Phật giáo “không được xem” là đến từ truyền thông bẩn, bởi nguyên nhân của nó cũng một phần từ nội bộ Phật giáo. Đó cũng là sự thật, dù đau lòng nhưng phải cắn răng, cúi mặt mà chịu.
“Con trùng trong sư tử sẽ ăn mòn chính sư tử”.
Có điều, Phật giáo vẫn còn vô cùng đẹp, rất rất trang nghiêm và tông chỉ Phật giáo không phải chỉ dừng lại ở việc ôm bát, đầu trần, chân đất mà đi xin cơm là đã đủ. Như vậy thì thành Cái Bang mất rồi. Tất nhiên không hề có ý mạo phạm hành giả ấy. Chỉ là…
Thử hỏi có mấy người chịu được cảnh màn trời chiếu đất ấy? Và rồi sau một vài năm, nếu toàn bộ Tăng đoàn đều trở thành du Tăng thì có còn mấy người dám xuất gia? Và, giả sử tất cả đều có định lực Nhẫn nhục Ba la mật để cam chịu cảnh nắng gió phong sương, thì lợi ích mà điều đó mang đến cho cuộc đời lại là gì và được bao nhiêu? Có vị giám đốc nào vận hành một công ty phát triển bền vững, đóng góp phát triển kinh tế đất nước và làm giàu mạnh tập đoàn hoặc gia tộc nhưng mỗi ngày đều đi bộ tám tiếng ngoài đường chăng? Và nếu toàn bộ Tăng đoàn đều “chân tu” như vậy, thì…
Nơi nào sẽ thờ Phật, nơi nào giảng kinh pháp, nơi nào hình thành khoá tu, nơi nào củng cố đời sống tinh thần theo lời Phật dạy, nơi nào dấn thân khi đồng bào gặp gian khó, nơi nào truyền trao những đạo đức Phật dạy, nơi nào hình thành nên những trí thức đủ khả năng để biện giải Phật pháp trên mọi lĩnh vực và nơi nào còn được xem như nguyên nhân để đóng lại cánh cửa của một nhà tù?
Do đó…
Khóc lệ ra máu, nghẹn tận đáy lòng, đau thấu tâm can nơi này, dập đầu nghìn vạn chốn đây…
Chỉ mong, sự nhìn nhận và thấu hiểu đối với một vấn đề cần trở nên toàn diện, có căn cứ và lấy tính khách quan làm nền tảng, nếu cá nhân sai, chỉ trích và xử lý cá nhân vì chẳng có nồi canh nào ngon ngọt trong muôn thuở cả. Mình cũng chẳng biện hộ cho ai, người quý vị bất bình, chính mình cũng bất mãn.
Chỉ là…
Đừng chạy theo hiện tượng mà xem rằng những điều thuộc truyền thống là vô giá trị. Ngày đó, Thầy ông nội Lê Tùng Vân cũng đã trở thành bậc chân tu, những người quyên góp cho ông ta là quần chúng, Khầy thịt chó Thích Tâm Phúc cũng trở thành bậc đoan chánh, những người ủng hộ ông ta phần lớn đến từ quần chúng, những Thanh Hải Vô Thượng Sư, Trần Tâm Ruma cũng đều được tấn phong với địa vị còn cao hơn đức Phật và được quỳ rộp sát đất bởi quần chúng. Và kết quả ở hiện tại thì ra sao?
Vì quần chúng không phải cá nhân, nên không thế lực nào xử lý được quần chúng khi quần chúng phạm sai lầm. Nhưng, quần chúng lại chẳng biết tự bao giờ đã tự hình thành quyền phán xét tối cao dành cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức thấp bé hơn mà không nhất thiết phải thông qua quy trình thuộc các bước lập án, xét án, thành án, xử án và kết án, như Chúa trời nắm quyền sinh sát sinh linh vậy.
Vì vậy, cá nhân thường gục ngã toàn phần trước quần chúng, nhưng đáng thương thay là điều bất hạnh đó chỉ như việc đại dương kia bốc hơi đi một hạt nước mong manh mà thôi.
Tóm lại…
“Mình muốn đi lắm, ngưỡng mộ hạnh kiên trì với Phật pháp của vị hành giả ấy lắm, nhưng không thể vì cái “muốn” ấy mà bỏ lại đằng sau sứ mạng của chính mình, vì sự “đi” vốn chẳng mang đến lợi ích cho ai cả, chỉ cho chính mình mà thôi. Đức Phật đã không còn, nhưng mình không muốn đức Phật tan biến hoặc bị thay thế bởi một số hiện tượng được xem như Phật nhưng chưa hẳn là Phật”.
Nguyên Quang

XEM NHIỀU