Tôi đã hai lần thăm viếng đất Phật trước khi viết bộ đại sử Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt. Tôi chỉ đến những địa danh lịch sử quan trọng để tạo cảm xúc cho trang viết của mình.
Cộng cả hai lần, tôi đi thăm được Bodh Gayā (Bồ Đề Đạo Tràng), Sarnath (Lộc Uyển), thành Bārāṇasī (Ba La Nại), vườn Lumbinī (Lâm Tỳ Ni), sông Rohiṇī, thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), thành Sāvatthī (Xá Vệ), Jetavanārāma (Kỳ Viên tịnh xá), núi Kukkuṭapāda (Kê Túc), thành Kosambī (Câu Thâm), sông Gaṅgā (Hằng), thành Vesāli (Tỳ Xá Ly), Phật diệt độ Kusinārā (Câu Thi Ca), Veḷuvana-vihāra (Trúc Lâm tịnh xá), thành Rājagaha (Vương Xá), vườn thuốc của thần y Jīvaka (Kỳ Bà), ngục nhốt đức vua Bimbisāra (Bình Sa), núi Gijjhakūṭa-giri (Linh Thứu) và Kūṭāgāra (hương phòng) của Đức Thế Tôn. Dường như chỉ có bấy nhiêu. Tệ thật! Đoàn du Tăng hành cước đầu-đà không chỉ trải qua chừng ấy địa danh mà gian lao và vất vả hơn nhiều, họ đi cả hằng trăm địa điểm khác nữa mà đa phần các đoàn du lịch không biết.
Sư Chơn Tín, tác giả của tác phẩm Theo dấu chân Phật đã chiêm quan Ấn Độ ba lần rồi nhưng lần thứ tư này, lộ trình đi và về hơn ba ngàn sáu trăm cây số và trải qua 112 ngày dầm sương, dãi nắng. Thật là “hãi hùng, kinh khiếp”. Có ông Sư nằm “lịm” bụi bờ, ngóc đầu dậy, lại đi! Có ông Sư nghi ngờ cái thân “báo động giả” vì nó bảo đau, nhưng hỏi đau ở đâu thì nó bảo không biết! Có ông Sư đi tìm móng chân không biết nó rơi lúc nào, chỉ có bung tróc, rỉ máu thì ở lại! Có ông Sư nhìn mình, lẩn thẩn, không rõ nắng nhuộm da hay da nhuộm y? Ông Sư nào cũng tếu, cũng dí dỏm hay chính tác giả tếu, tác giả dí dỏm? Nhưng đọc, nghe mà thương vô cùng!
Đi cùng tác giả có huynh đệ Chơn Hữu, Thiện Niệm, Tuệ Nhân với trên 100 vị Sư Thái, dường như họ đã quen đường lối, quen cả nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, ngủ nghỉ… thiếu thốn và gian khổ trăm bề. Ai cũng biết rằng, chư Tăng thời nay không thiếu thứ gì về tứ sự, chỉ ngại là quen lợi dưỡng thôi! Nhưng vì kính yêu Đức Phật, thương bi đất Ấn, xót đau dân Ấn… đã quên Phật cả ngàn năm nên họ phải đi, tình nguyện đi để gieo hình ảnh Tăng đoàn thuở xưa trên quê hương họ. Do vậy, tác giả kể rằng, ăn cơm mùi gián cũng thấy ngon, ngủ trên nền đất bằng đã là hạnh phúc, ngủ lều mà nước không thấm dột đã là như tiên rồi. Nước nôi tắm giặt, kệ! Vệ sinh vệ siếc, kệ! Da nổi mốc vằn mốc trắng, nấm đỏ, nấm đen cũng kệ luôn! Những ánh mắt kỳ thị, tò mò lẫn cả những ánh mắt vui vẻ, hâm mộ, đều là sự thật cả mà!
Cũng lạ, tác giả vốn vai u thịt bắp, cánh tay quen cầm búa tạ để đập đá, quen cầm rìu để bửa củi, quen cầm cuốc để cuốc đất, quen cầm rựa để dọn rừng… thế mà cánh tay ấy bây giờ lại cầm bút viết văn… với những cảm nhận rất tinh tế, rất thật, rất “nhẹ nhàng, mềm mại” và có cả chất thơ nữa! Cho dẫu toàn thân nhức đau báo động, cho dẫu cháy da, buốt xương… rảnh chút là viết, đêm về mọi người ngủ nghỉ, tác giả lại viết bên ánh sáng đèn đom đóm… Từng kỳ, từng kỳ… tôi đều theo dõi và đọc. Và rõ ràng tác giả càng viết càng chắc tay, càng viết càng hay. Những trang viết không những nói ra được dặm trường gian khổ mà còn tả được sương mù, khí núi, tả được cả chiếc lá run rẩy, những cánh hoa rung rinh trong nắng sớm… Rồi nào là đủ loại chim hót, khỉ vượn chí chóe. Màu sắc, màu sắc nữa, cả trăm sắc màu biến hóa của mẹ thiên nhiên lúc bình minh, lúc hoàng hôn, lúc đổi mùa, chuyển tiết. Kìa là hoa cải vàng. Kìa là hoa gạo đỏ rực. Sương mù như bức tranh thủy mặc. Có đôi chỗ lại như ốc đảo thanh bình. Những cành cây chơ vơ như được thò ra từ không gian giấu kín nào đó. Đôi khi chỉ tả bằng ẩn dụ, bằng tu từ. Đôi khi chỉ tả lấp lửng, không nói hết… để cho độc giả tự nghĩ, tự hiểu đằng sau câu chữ hoặc cùng tham dự vào hành trình…
Có lẽ nhờ oai linh và huyền nhiệm của đất Phật mà tâm trí cảm xúc của tác giả tự chảy ra ngòi bút chăng! Những hồi ức về tuổi thơ, về cha mẹ, bà ngoại… thật là chân thành và cảm động. Những tư duy về những mảng sử Phật, về những di chỉ lịch sử… còn chứng tỏ tác giả đã qua thời gian nghiên cứu. Đặc biệt nhất là tài quan sát, cảm nhận, liên tưởng… bên sau người, bên sau vật, bên sau cảnh. Trong bụi đất nhìn thấy châu ngọc. Vọc chân trong cát cảm nghe cái đau của dòng sông. Bước trên dốc đá, dốc sỏi… mà thương chư Tăng thuở xưa. Lẻn qua khe đá ở núi Kê Túc thấy hình ảnh vị Đệ nhất đầu-đà. Nhưng đọng lại trong tôi nhất là hình ảnh ông Sư ngồi như hóa đất. Hình ảnh ông Sư nằm dài trong rừng. Hình ảnh ông Sư tìm góc khuất để trầm tư. Hình ảnh ông Sư nhiếp thiền quên ngoại cảnh. Đấy mới đúng là “chất” của Sa-môn. Là hành trang của Sa-môn. Là tâm của Sa-môn. Không bao giờ quên mình là Sa-môn để nhìn ngắm và cảm nhận mọi sự, mọi vật, mọi hiện tượng…
Theo dấu chân Phật là tác phẩm thành công. Hãy đi và hãy đọc. Chưa đi mà đọc có lẽ hay hơn. Cái đất Ấn kỳ lạ này luôn tồn tại hai cực đoan. Giàu đến tận đỉnh Hymālaya mà nghèo thì rớt tận vực sâu. Xa hoa, phú quý thì ngất ngưởng mà đói nghèo, khổ cực cũng ngất ngưởng không kém gì! Hai nền văn minh cực kỳ phồn thịnh đã đi qua đây. Từ năm 2800 TCN đến 1300 TCN có hai nền văn minh rực rỡ. Nền văn minh sông Indus có đô thị thiết kế khoa học, nghệ thuật và hoành tráng không thua gì hiện nay! Nền văn minh Vệ-đà cũng là thời hoàng kim của đất Ấn, như cô gái đẹp ngủ quên trong rừng quá lâu nay đã hóa bùn, hóa đất, hóa đá… Bây giờ, thì vậy đó… bụi bặm, hoang tàn, đổ nát, rác, chất thải, phân dê, cừu, bò… khắp nơi, nhưng thủ đô và các thành phố lớn, ví như có một đám cưới hằng trăm tỉ… cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”!
Đất Phật hiện nay của chúng ta đó! Thiệt là bùi ngùi! Sợ khổ, sợ cực, sợ bẩn nhưng vẫn cứ muốn đi!
Đồng Tháp: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh triển khai hoạt động Phật sự
Đồng Nai: Khai giảng Lớp Cao đẳng Phật học hệ chuyên khoa, niên khóa 2024-2026
Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Quan Hóa
Kiên Giang: Khảo hạch giới tử tại Đại giới đàn Giác Phước PL.2568 – DL.2024