Thứ hai, 29/04/2024 14:45:16 (UTC+7) 80

Chăm sóc bệnh nhân: tối thượng thí, không bao giờ còn đọa vào ác đạo

Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta.Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh.

Từ thời Tiểu thừa (thời A Hàm) cho đến đại thừa thời Phương Đẳng, Niết Bàn, kinh văn  đều cho thấy từ tâm chăm sóc bệnh là hạnh rất lành, là tối thượng thí như trong những đoạn kinh sau:

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta.Sở dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh.

Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một người nào trong chư Thiên, thế gian, Sa-môn, Bà-la-môn mà bố thí tối thượng hơn sự bố thí này. Người hành bố thí này mới đúng là thí, sẽ thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn, tiếng tăm trùm khắp, được vị cam-lồ.Nghĩa là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác biết rằng bố thí tối thượng không gì hơn thí này. Người hành bố thí này mới đúng là thí, thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn. Nay Ta vì nhân duyên này mà nói như thế. Săn sóc người bệnh tức là đã săn sóc Ta không khác.Các Thầy sẽ luôn luôn được phước đức lớn.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Nhập đạo, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.142)

Trong khi đó ở phẩm 44 Chín Nơi Cư Trú của Chúng Sanh, Tăng nhất A-hàm tập III, một lần nữa ,Đức Thích Tôn lại xác quyết: “Người chăm sóc bệnh như chăm sóc Ta không khác, phước đức chăm sóc bệnh không khác phước đức cúng dường Ta và chư Phật”, như đoạn kinh văn sau:

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Các thầy sở dĩ xuất gia đồng một Thầy, hòa hợp như nước sữa, mà không chăm nom lẫn nhau. Từ nay về sau nên lần lượt chăm sóc thăm nom nhau. Nếu Tỳ-kheo bệnh không có đệ tử, trong chúng nên cử người lần lượt làm khán bệnh. Vì sao? Ngoài việc này ra, không thấy có việc gì hơn phước của người chăm sóc bệnh. Người chăm sóc bệnh như chăm sóc Ta không khác.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ: Nếu có cúng dường Ta/ Và chư Phật quá khứ/ Phước đức cúng thí Ta/ Không khác chăm nom bệnh.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy lời ấy xong, bảo A-nan:

– Từ nay về sau, các Tỳ-kheo mỗi mỗi chăm nom bệnh lẫn nhau. Nếu có Tỳ-kheo biết mà không làm thì các thầy nên căn cứ theo Luật.

Đây là lời giáo giới của Ta.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm 44, Chín nơi cư trú của chúng sanh [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.219)

Trong kinh tạng Pali, Phật giáo Nam tông có tích truyện về một đạo sĩ cúng dường dược thảo cho Đức Phật Anomadati để chữa bệnh phong, quả đức có được không thể nghĩ bàn, luân lưu vô số kiếp trong hai cõi: trời – người, được an vui, không bao giờ bị bệnh, và chứng đắc quả A La Hán vào kiếp cuối cùng trong thời Đức Phật Thích Ca, sống thọ 160 tuổi, không hề bị bệnh, trở thành vị thánh đệ tử thọ mạng đệ nhất Bạc Câu La (Bakula) .

Vào thời Đức Phật Anomadati, có một vị đạo sĩ hành đạo trong núi Tuyết Sơn. Lúc bấy giờ Đức Phật đang mắc phải bệnh phong, đạo sĩ tìm kiếm trong dãy núi Tuyết sơn những rễ và củ cây làm thuốc cúng dường đến Đức Phật. Sau khi dùng thuốc bệnh phong Đức Phật được dứt khỏi. Từ phước lành này đạo sĩ cầu nguyện xin Đức Phật chứng minh cho rằng: “những kiếp về sau đạo sĩ không hề mắc bất kỳ một bệnh tật gì”.

Do nhân lành của sự cúng dường thuốc đến Đức Phật, hàng trăm ngàn kiếp trái đất về sau, đạo sĩ luân lưu tái sanh trong hai cõi Trời – người.

Vào thời Đức Thích Ca ra đời là kiếp cuối cùng đạo sĩ tái sanh làm một chàng trai con nhà phú hộ giàu có tại thủ đô Baranasi (Balanại) có tên là Bakula, thụ hưởng mọi an lạc trong thế gian đến năm 80 tuổi. Sau đó ông đến xin Đức Phật xuất gia trở thành Tỳ Kheo, hành đạo không bao lâu chứng đắc được đạo quả A la hán. Suốt trọn cả kiếp ấy chưa có một lần nào bị bệnh gì cả (trở thành bậc đệ nhất về vô bệnh trong hàng đệ tử Phật), hưởng thọ được 160 tuổi và cuối cùng nhập Niết Bàn giải thoát, chấm dứt vòng sanh tử luân hồi.

(Những Lời Dạy Vàng của Đức Phật, Phần 1: Các chuyện liên quan đến bố thí, Tỳ kheo Thiện Minh (Bhikkhu Varapanno: https://www.budsas.org/uni/u-ldv/ldv-01.htm)

Hơn thế nữa, Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện cho thấy từ tâm chăm sóc bệnh nhân sẽ được sinh thiên: từ lục dục thiên đến tịnh cư thiên, không bao giờ còn đọa vào ác đạo nữa, và rốt ráo sẽ thành Phật đạo:

Này Địa-Tạng Bồ Tát! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương hay hàng Bà La Môn, gặp những người già yếu tật bịnh và kẻ phụ nữ sanh đẻ, nếu trong khoảng chừng một niệm sanh lòng từ lớn đem thuốc men, cơm nước, giường chiếu bố thí, làm cho những kẻ ấy được an vui.

Phước đức đó rất không thể nghĩ bàn đến được, trong một trăm kiếp thường làm Vua Trời Tịnh Cư, trong hai trăm kiếp thường làm Vua sáu từng trời cõi Dục, không bao giờ còn đọa vào ác đạo, cho đến trong trăm nghìn đời, lỗ tai không hề nghe đến tiếng khổ, rốt ráo sẽ thành Phật đạo

(Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Phẩm 10: So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh).

Vì thế, hành giả Tịnh Độ có thể dùng hạnh rất lành (Pháp rất lành) này làm tư lương, thay vì hướng về Lục Dục Thiên, tịnh cư thiên, mà nguyện cầu vãng sanh về Miền Cực Lạc, nhất định sẽ được sanh vì tương ưng với đại nguyện của Phật A Di Đà khi còn trong nhân địa, làm Vua Chuyển Luân Thánh Vương Vô Tránh Niệm đối trước Bảo Tượng Như Lai đã phát, và đã thành tựu, như sau: Nguyện khi con thành chánh giác xong, ở vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp thế giới Phật khác có chúng sanh nào được nghe danh hiệu của con mà tu các pháp lành, muốn được sanh về thế giới của con, nguyện cho họ sau khi xả bỏ thân mạng, nhất định sanh về, chỉ trừ người phạm tội ngũ nghịch, hủy báng thánh nhơn, phá hoại chánh pháp.

(Kinh Bi Hoa, phẩm 4: Nguồn gốc các Bồ Tát được thọ ký, Hán Văn: Đàm Vô Sấm, Việt Văn: Thích Nữ Tâm Thường, trtr. 179 -180; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Vol.3, No.157).

Tây Phương đua nỡ liên hoa

Chờ người hữu phước thiện duyên từ hòa

***

Nguyện đem công đức này

Hướng vế chúng sanh khắp pháp giới

Đồng sanh nước Cực Lạc

Tâm Tịnh cẩn tập

XEM NHIỀU

27/12/2024 17:00:49

PHẬT GIÁO VIỆT NAM LUÔN HỘ QUỐC AN DÂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

Đại lễ cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa  Việt Nam ra thế giới và góp phần truyền tải thông điệp hòa bình, phát triển bền vững các giá trị nhân văn cốt lõi của Phật giáo đến toàn thể nhân loại. Thân người...
26/12/2024 15:48:53

Hà Nội: Phân ban Ni giới phía Bắc tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động Phật sự năm 2024, đề ra phương hướng công tác năm 2025

Với công tác Hoằng Pháp, để tiếp nối theo dấu chân của đức từ phụ ” cả cuộc đời hoàng dương chính pháp lợi lạc quần sinh”, việc hoằng pháp của Phân ban Ni giới các Tỉnh Thành còn hạn chế, nhưng tất cả chư Ni trong các Tỉnh Thành đều đem...