Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng
Muốn tạo công đức, chúng ta nhớ lời nguyện của Quan Âm ở Ta-bà, vào địa phủ. Vì thực sự có khổ mới phát tâm được, không khổ, giàu có thường lo hưởng thụ, dễ phạm sai lầm, khó phát tâm sống thánh thiện theo hạnh Bồ-tát.
Phật nói kinh Pháp hoa chỉ dạy cho Bồ-tát có nghĩa là dạy cho người ta cầu thành Vô thượng giác, cầu thành Phật thì pháp này đi suốt gọi là Nhứt thừa, tức là từ con người tu lên chư thiên, lên Nhị thừa, lên Bồ-tát, lên Phật.
Nếu xa hơn một chút, theo kinh Hoa nghiêm, Đức Phật nói không chỉ giới hạn trong loài người, mà từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, tới người, trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và Phật là con đường xuyên suốt từ thấp nhất lên cao nhất là Phật.
Phải hiểu nghĩa đó, không chấp rằng ta tu đạo Bồ-tát mà xem thường những người tu pháp môn khác là sai lầm lớn. Nhiều người còn hiểu sai, nghĩ mình là Phật tử cư sĩ tu Pháp hoa, tu đạo Bồ-tát, rồi xem thường quý thầy là tội.
Bồ-tát đi suốt từ địa ngục lên, không phải chỉ giới hạn cho hạng cao, vì thế Phật nói khi Ngài phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo từ địa ngục A-tỳ, tức cùng cực khổ đau. Vì có khổ, mình mới thương người khổ, có nghèo đói, mình mới thương người nghèo đói. Mình sống trong giai cấp cao khó cảm thông với người nghèo khổ.
Đức Phật nói ở trong địa ngục, mình mới phát tâm Bồ-đề, nhưng ra khỏi địa ngục phải nhớ cái khổ của địa ngục cũng phát tâm Bồ-đề, đó là tu. Phật tử nghiệm xem người khổ nhất lại thích tu hơn. Đức Phật nói nghèo khổ thì tu dễ, nhưng nghèo khổ hành bố thí khó, vì mình cũng đói, thì khó chia sẻ cho người khác. Còn giàu bố thí dễ nhưng đi tu khó. Người giàu hưởng đầy đủ đời sống tiện nghi, nhưng bỏ cuộc sống sung túc mà tu phải sống khổ cực thì khó, vì thế, nhiều người chỉ tu được một lúc rồi bỏ tu. Bỏ giàu sang phú quý đi tu được thì đó là Bồ-tát. Người nghèo khổ mà biết thương người, bố thí được cũng là Bồ-tát. Giàu hay nghèo đều thực hành Bồ-tát hạnh được.
Hoặc khi ở trong địa ngục, mình cảm thông cái khổ của người khác, mình nghĩ khi ra được cảnh khổ sẽ tìm cách giúp đỡ họ ra khỏi cảnh khổ thì đó là Bồ-tát. Tức có tâm vị tha, lòng thương người là Bồ-tát. Cho nên Bồ-tát không giới hạn trong tầng lớp xã hội nào, từ địa ngục mà tu hạnh Bồ-tát lần lên.
Hoặc súc sanh là các loài thú vật, tôi thấy có những con thú rất tốt, rất hiền lành, rất trung thành với chủ. Khi học ở Nhật, tôi tới nhà ga Shubya, thấy có tượng con chó bằng đồng, ở dưới trụ tượng ghi hai chữ “Tước Công”. Tôi thấy lạ, tại sao con chó lại được vua phong là Công tước. Ngày xưa, ở trong triều đình có năm tước là Công, Hầu, Bá, Tử và Nam. Đọc lịch sử, tôi thấy con chó này do giáo sư Ueno nuôi. Sáng ông từ nhà ra nhà ga lên tàu hỏa đi dạy, con chó này cũng đi theo ông từ nhà đến nhà ga, rồi nó nằm ở đó chờ ông. Buổi chiều, ông từ trường về nhà ga, nó đi theo ông về nhà. Khi ông chết, nó cũng ra nhà ga nằm ở đó chờ ông về. Nó nhịn đói chờ ông cho đến chết luôn ở đó. Người ta mới báo về triều đình và vua phong cho nó tước cao nhất là Công tước.
Vì thế, người ta mới nói trong các thú vật, con chó trung thành nhất với chủ. Thứ hai là con ngựa, khởi đầu là con ngựa Kiền Trắc của Thái tử Sĩ Đạt Ta. Khi Ngài đi tu, nó chở Ngài qua dòng sông Anoma là qua nước khác, thái tử vô rừng tu. Sa Nặc đưa ngựa Kiền Trắc này về nhà rồi nó nhịn đói ba ngày chết luôn. Người ta nói con ngựa cũng trung thành với chủ. Vì sự tích này, các ông quan thời xưa theo phò ông vua nào thì nguyện hết lòng với vua, gọi là đem thân khuyển mã báo đáp (khuyển là chó, mã là ngựa), tức tự ví họ như con chó, con ngựa trung thành. Trong loài súc sanh cũng có Bồ-tát hiện thân vô.
Vì vậy, theo kinh Pháp hoa, từ địa ngục A-tỳ cho đến Phật, trải qua mười cấp khác nhau ở trong thập giới đều là Bồ-tát. Nếu chia theo Tam thừa, chỉ lấy từ Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, đó là Bồ-tát tính theo Tạng giáo. Trong Phật giáo chia ra bốn hạng Bồ-tát là Bồ-tát của Tạng giáo, Bồ-tát của Thông giáo, Bồ-tát của Biệt giáo và Bồ-tát của Viên giáo. Bồ-tát đầu tiên của Tạng giáo là tu theo Nguyên thủy cũng có Bồ-tát.
Cho nên, quý thầy tu hạnh Thanh văn vẫn tôn thờ các vị Bồ-tát, vì họ coi Đức Phật Thích Ca là Bồ-tát hiện thân trên cuộc đời này để làm Phật cứu độ chúng sanh. Vì vậy, Bồ-tát chỉ để tôn thờ, hàng nhân, thiên, Nhị thừa tôn thờ Bồ-tát cao hơn mình, mình không với tới được. Nghĩ vậy, quý thầy thấy Phật tử thọ Bồ-tát giới, họ khó chịu, vì Bồ-tát để họ kính thờ thì Phật tử phải tôn trọng chư Tăng, tại sao chư Tăng lại phải kính trọng Phật tử. Điều này rất đặc biệt mà người tu phải hiểu để không kẹt vô chỗ này.
Tôi nhớ lại Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là người có công trong việc chấn hưng Phật giáo. Ông là giáo thọ sư dạy các vị Hòa thượng lớn từ Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Trí Tịnh của miền Nam, Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Trí Đức ở Huế…
Trên bước đường tu, người nào hiểu biết hơn mình, mình học với người đó và kính trọng họ. Người nào có việc làm hơn mình mà mình chưa làm được thì mình kính trọng họ về việc làm. Vì vậy, kính trọng Bồ-tát là kính trọng sự hiểu biết và việc làm của họ.
Ông là cư sĩ dạy quý thầy và ông hiểu đạo nên có cách xử sự rất đặc biệt. Trước khi dạy chư Tăng, ông đảnh lễ ba lễ rồi mới dạy, cho thấy đức khiêm cung của bác Tâm Minh, dù làm thầy dạy chư Tăng, nhưng vẫn luôn kính trọng chư Tăng, không tự cao ngã mạn, vì ông thấu hiểu lẽ đạo rằng mỗi người đệ tử Phật có việc làm khác nhau, nhưng tất cả đều vì đạo trên hết, đều xiển dương Chánh pháp. Chính vì đức khiêm cung của bác sĩ Tâm Minh, nên Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Trí Quang luôn coi ông là thầy và quý trọng ông.
Và mình tu Pháp hoa phải hiểu rằng chư Tăng học với cư sĩ vì họ có hiểu biết hơn, phải nhờ họ chia sẻ hiểu biết, nên họ là thầy thì người tu kính trọng sự hiểu biết của người thầy này, không phải kính trọng cái thân cư sĩ của họ.
Trên bước đường tu, người nào hiểu biết hơn mình, mình học với người đó và kính trọng họ. Người nào có việc làm hơn mình mà mình chưa làm được thì mình kính trọng họ về việc làm. Vì vậy, kính trọng Bồ-tát là kính trọng sự hiểu biết và việc làm của họ. Vì theo tinh thần Pháp hoa, Bồ-tát đóng nhiều vai trò trên cuộc đời này, nhiều khi Bồ-tát hiện thân làm vua, làm quan, làm tướng để hộ trì Chánh pháp, không nhứt thiết chỉ là người xuất gia.
Thật vậy, nếu không có ông vua quý đạo, không có ông quan hết lòng với đạo, không có ông tướng biết lo cho đạo… thì Phật giáo sẽ không tồn tại. Phật giáo hưng thạnh thời Đinh, Lê, Lý, Trần nhờ các ông vua, ông quan đều kính trọng Phật giáo, mới cấp phép cho xây dựng chùa, chứng nhận cho chư Tăng xuất gia. Trái lại, khi ông vua, ông quan, ông tướng không chấp nhận Phật giáo, các ông không cho chư Tăng đi tu, không cấp phép cho cất chùa, thì chùa và chư Tăng không có, tất nhiên Phật giáo phải bị hoại diệt.
Chính vì vậy, các vị Bồ-tát sanh lại có thể làm Tăng, làm vua, làm quan, làm tướng, làm trưởng giả, làm trời, thậm chí làm quỷ thần, làm đủ thứ việc để họ lo cho đạo. Mình kính trọng những người này là kính trọng việc làm của họ, kính trọng hiểu biết của họ, dù họ đóng vai nào, nhưng họ là Bồ-tát.
Theo tinh thần Pháp hoa có cái nhìn khác hơn người tu Nhị thừa chỉ nghĩ chư Tăng thì quý, cư sĩ thấp kém hơn. Vì vậy, người đi tu không lạy vua, không lạy cha mẹ. Cha mẹ chết, mình về chỉ thắp hương, không được quyền lạy, vì mình mặc áo Phật, lạy cha mẹ sợ cha mẹ bị tổn phước. Điều này nên phân làm hai để hiểu cho đúng.
Theo Phật giáo Đại thừa, mỗi nửa tháng, sau khi sám hối lạy Phật, quý thầy lạy tứ ân. Trước hết là phụ mẫu ân, nhờ cha mẹ sinh ra và nuôi nấng mà mình có được thân này để đi tu, nên mình lạy công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình, không phải lạy cư sĩ. Ngoài ra, lạy quốc dân thủy thổ ân là cộng đồng xã hội giữ gìn trật tự an ninh cho mình sống yên ổn, tu được cũng là ơn, nên lạy. Người tu Đại thừa thường đọc “Trên đền bốn ơn lớn” là ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn quốc dân thủy thổ và ơn Tam bảo. Nếu không có những người này, mình không tu được.
Từ việc ghi tạc bốn công ơn lớn này mà triển khai thành hạnh Bồ-tát. Vì thế, khi lạy, tôi nghĩ xung quanh mình có nhiều người bảo vệ, giúp đỡ, mình mới làm được các Phật sự. Tôi luôn nghĩ trên hết là nhờ Phật, nhờ các vị Bồ-tát vô hình, hộ pháp long thiên, quốc dân đồng bào, cư sĩ Phật tử… Không có những hỗ trợ này, một mình không làm được. Ý thức như vậy, lòng mình có sự gắn bó với tất cả người xung quanh, mình nghĩ họ là người ơn, nên mình kính trọng họ, thương họ thì họ mới tới với mình. Quý vị thử nghĩ xem nếu có người kính trọng mình, chắc chắn mình phải thương họ.
Vì lý này, đầu tiên muốn hành Bồ-tát đạo phải kính trọng tất cả người xung quanh. Thậm chí người ác, người xấu, người hại mình, Phật dạy cũng coi đó là ân nhân của mình, vì sống trên cuộc đời này luôn có hai mặt thuận và nghịch. Tu theo kinh Pháp hoa, nghịch hay thuận cũng là duyên và nếu không có nghịch duyên thì không phát huy được năng lực của mình.
Riêng tôi, nhờ nghịch duyên mà tôi phấn đấu nhiều. Vì tôi sinh trong thời Pháp thuộc, lớn lên trong thời chiến tranh và hoằng đạo trong thời xã hội chủ nghĩa. Cả ba thời kỳ này hoàn toàn khác nhau mà đều hoàn toàn khó khăn và đều là nghịch duyên đối với tôi. Tuy nhiên, nhờ nghịch duyên đó mà tôi nỗ lực hơn nữa và giúp tôi hiểu được cái khổ của người dân nô lệ, mất nước. Vì trong thời kỳ đất nước ta bị người Pháp cai trị là thời kỳ người dân khổ nhất, mà người dân theo Phật giáo càng khổ hơn nữa. Sống trong hoàn cảnh bứt ngặt như vậy, người không có tinh thần cao, không có đức hy sinh lớn không thể tới với đạo, không thể hiểu đạo. Thật vậy, tu hành gặp hoàn cảnh khó khăn, mình mới phát hiện được những điều mà bình thường không hiểu được.
Như bữa nay thời tiết rất nóng, nhưng mình tập trung, nhiếp tâm nghe pháp, hay tụng kinh, thiền định, mình không cảm giác nóng. Tôi cảm nhận điều này, dù trời nóng mấy đi nữa, nhập định không thấy nóng, nhưng xả định, trở lại tâm bình thường, thì vọng thức của mình có phân biệt nóng, lạnh. Còn lúc mình nhiếp tâm tu, trong tâm không có nóng. Ráng tập cho được thân nóng nhưng tâm không nóng. Bước đường tu giống nhau, nhưng người nào đạt được bốn điều là thân tâm không bị chi phối bởi đói khát, nóng lạnh thì Phật ghi nhận là Sơ quả.
Thứ nhất là thân nóng mà tâm không nóng. Tôi cảm nhận khi đốt liều hương trên đầu, nóng đến mức nước mắt, nước mũi chảy ra. Nhưng tôi thấy Hòa thượng Trí Hữu đưa ngón tay vào ngọn lửa đốt đến cháy rụng ngón tay. Tôi hỏi Hòa thượng nóng không. Ngài nói nóng thì làm sao đốt được con.
Cho nên các thầy tu có thực tập thân nóng nhưng tâm không nóng, tức trụ tâm lại, thân không nóng. Thân có đau nhức nhưng tâm không đau nhức. Còn thân chưa đau nhức mà tâm đau nhức là nghiệp. Tôi nhớ khi y tá cầm kim chích, chưa chích nhưng mình thấy đau là thân chưa đau mà tâm đau, đó là nghiệp của chúng sanh, như vậy là mình cách đạo còn xa lắm.
Đầu tiên muốn hành Bồ-tát đạo phải kính trọng tất cả người xung quanh. Thậm chí người ác, người xấu, người hại mình, Phật dạy cũng coi đó là ân nhân của mình, vì sống trên cuộc đời này luôn có hai mặt thuận và nghịch. Tu theo kinh Pháp hoa, nghịch hay thuận cũng là duyên và nếu không có nghịch duyên thì không phát huy được năng lực của mình.
Các vị đắc đạo, thân chết nhưng tâm không chết là không đau, nên họ ngồi yên được mà nhập định rồi chết. Người chưa đắc đạo, hay còn dư nghiệp, cuối đời thường bệnh hoạn. Tôi còn chút phước, đến nay 86 tuổi vẫn ít bệnh. Làm sao cuối đời không bệnh, hay có bệnh nhưng không cảm giác bệnh là tu có kết quả. Tôi hay thí nghiệm pháp này. Nhiều bữa tôi bị cảm, nghĩ chắc hôm nay không giảng kinh được, nhưng lên pháp tòa, lo giảng, quên bệnh và hết bệnh luôn. Các Phật tử tập dù mình đang bệnh nhưng lo tập trung làm việc gì đó khiến mình quên bệnh và làm xong việc, mình cũng hết bệnh thiệt. Chứ hở một chút uống thuốc làm thân mình suy nhược lần, đến một lúc không có thuốc thì chết. Mình tập chữa bệnh bằng tâm là theo đường đạo.
Phật bảo làm sao thân đau nhức mà tâm không đau nhức. Thân có nóng, lạnh nhưng tâm không biết nóng, lạnh. Tôi thấy các vị tu sĩ trên núi Tuyết, trong khi mình mặc hai, ba lớp áo, đầu đội mũ bông mà còn lạnh run, còn họ ở trần đi trong tuyết một cách tự nhiên. Tôi nói ông này đắc đạo.
Khi họp Hội nghị tôn giáo thế giới ở Ý, tôi có chia sẻ với một tu sĩ của Kỳ Na giáo. Ông nói ngày chỉ ăn một bữa và chỉ ăn trái cây, không ăn thực phẩm nấu chín. Và bấy giờ, trời rất lạnh nhưng ông chỉ mặc một chiếc áo mỏng bình thường. Bước ban đầu tu là xóa nghiệp đói khát, nóng lạnh trước, cho đến ghét thương cũng không còn là vượt qua sự chi phối của tình cảm xã hội. Người ta tu đã luyện tập pháp này trước. Mình tu Đại thừa, nhưng không tập pháp này, nên nhiều khi đụng chạm với cuộc đời, coi chừng phiền não phát sinh.
Từ con người giữ năm giới, tam quy, rồi đến chư thiên giữ thập thiện giới thì khi họ xuất gia tu, thâm nhập đời sống tu hành dễ dàng. Thực tế cho thấy có người tu một mạch tới Sơ quả, có người đi nửa chừng rồi trở lại cuộc sống thế tục. Người tu dễ dàng, vì đời trước, họ đã thực hiện pháp hành của người tu, nên đời này tuy còn mang thân cư sĩ, nhưng tâm họ đã khác. Đó là người đi thuận chiều, từ con người đi lên chư thiên giữ thập thiện giới, nên thân họ không có ba nghiệp: sát, đạo, dâm. Mặc dù họ là cư sĩ có vợ chồng, nhưng không có quan hệ sanh con đẻ cháu, giống như Ma-ha Ca Diếp có gia đình, nhưng hai ông bà không ở với nhau, nên khi gặp Phật đi tu, ông này đắc đạo dễ. Vì đã tròn thập thiện rồi, từ trên trời xuống đây tu dễ. Trong loài người, người nào tròn thập thiện thì vị trí của họ là trời, họ là người cõi trời có nghĩa là người không sát sanh hại mạng, con vật nào họ cũng thương, không giết nó.
Một hôm, tôi đang lắng nghe Hòa thượng Trí Tịnh, có một con muỗi đậu trên tay Hòa thượng. Tôi xua tay đuổi nó, Hòa thượng không cho. Nếu còn tánh ác thì mình đập nó liền, tu rồi thì không giết nó, nhưng mình đuổi nó. Hòa thượng phát tâm Đại thừa, hành Bồ-tát đạo, Ngài nói nó cần một giọt máu để sống, mình thừa máu mà không cho nó thì hổ thẹn. Tu Đại thừa, ý sát sanh không có, trong lòng mình không muốn giết và mình cũng không muốn người khác giết. Cho nên người này đi tu dễ. Họ đã tròn được thập thiện.
Có người cư sĩ tại gia nói với tôi rằng họ không lập gia đình vì họ thấy phiền phức. Chưa xuất gia nhưng họ tập ly dục trước, để sau này đi tu dễ, không bị ràng buộc, vì một mình đi đâu cũng được, vô chùa nằm đâu cũng được. Còn dắt vợ con theo thì rắc rối lắm.
Vì vậy, còn là cư sĩ nhưng tập hạnh xuất gia trước, nên khi đi tu giống như cởi áo bỏ xuống, con người thực của mình hiện ra. Bề ngoài còn áo cư sĩ, đầy tóc chúng sanh, nhưng tâm bên trong sạch rồi, không sợ đói khát, nóng lạnh, không sợ người ta khen chê, sống thanh thản, tự nhiên, lúc nào cũng tự kiểm tra tâm mình thì người này tu dễ, anh này là Bồ-tát. Phật tử chưa xuất gia nhưng là Bồ-tát tại gia. Làm vua, làm quan, làm tướng và dùng chức vụ này hộ trì Chánh pháp thì cũng là Bồ-tát. Làm quan, làm tướng mà phá chùa thì hỏng rồi, không tồn tại lâu dài.
Bồ-tát hiện hữu ở địa ngục và ở trong loài súc sanh, cho đến ngạ quỷ cũng là Bồ-tát. Ngạ quỷ Bồ-tát là khi mình đói, người khác cũng đói mà mình dám chia cho họ ăn, thì đó là hạnh Bồ-tát. Còn mình có nhưng giấu để ăn một mình là tâm ngạ quỷ. Tôi có người bạn ở thời chiến tranh nên lúc nào ông cũng mua sẵn hũ gạo để phòng hờ, sợ đói. Cả tháng sau, gạo bị sâu mọt thì lấy ra ăn, rồi mua gạo khác cất giấu tiếp.
Tôi nói ở trong chùa này, anh em đông. Lúc đó, tất cả đều đói mà thầy còn hũ gạo để dành, thầy ăn được không? Quý vị nghĩ xem, nếu đói thì cùng đói, no thì cùng no. Bây giờ mình có một ổ bánh mì, người bên cạnh đói, mình chia cho họ một nửa, ông này cũng đỡ đói, mình cũng đỡ đói. Lát nữa, không có gì thì cùng chịu đói. Họ đói, mình đói thì thấy bình thường. Người ta có ăn mà mình không có ăn, mình thấy khổ.
Trên bước đường tu, tôi thực tập khi thấy người ta có ăn, mà mình không có ăn nhưng không khổ. Muốn vậy thì tập trung lại, gọi là nhập định không nghĩ tới ăn nữa, sẽ không đói. Tôi thấy rõ, một ngày hay hai ngày không ăn không thấy đói, vì cơ thể mình chưa đói thiệt, chỉ có cái tâm đói thôi. Phải nhớ rằng cái tâm đói là tâm ngạ quỷ. Tu mà còn giữ cái tâm đói không bao giờ tới với đạo được.
Thân đói thì chấp nhận. Thân đói làm mình mệt mỏi, đi không được, mình phải ăn uống mới đi được, mới làm việc được, đó là việc bình thường của thân tứ đại. Còn bây giờ mình còn đi được, còn lạy Phật được, nhưng nghĩ tới ăn, điều này là thân chưa đói mà tâm đói. Cho nên phải khắc phục cái tâm đói. Muốn đắc đạo, đắc quả, phải khắc phục tâm xấu ác là việc chính của người tu.
Tu quên đói là cái tâm không đói, đó là hàng Nhị thừa. Tu dám nhường phần ăn cho người khác là Bồ-tát. Trong thế giới Thật báo của Đức Phật chỉ có Bồ-tát và Thanh văn, phàm phu không vô được. Khi nghiên cứu về điều này, tôi phát biểu, phàm phu không vô được vì Đức Phật bố trí kỹ quá, nên họ không vô được. Việc đầu tiên, Đức Phật bảo các thầy muốn đi tu phải ăn ngày một bữa, không cho ăn sáng, không cho ăn chiều thì người ham ăn không dám đi tu, là hạn chế người không thật tu.
Thế giới của Đức Phật A Di Đà chỉ có Bồ-tát và A-la-hán. A-la-hán không ăn hay ăn ít cũng được. Người ham ăn không dám về Cực lạc. Có người nói về Cực lạc không có phụ nữ, buồn quá. Cực lạc hiểu theo phàm phu là vui thì phải có ca hát, có đủ thứ. Còn Cực lạc không có ăn, không có gì hết thì làm sao vui được. Ở Cực lạc chỉ có niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Tiếng chim kêu, tiếng gió reo cũng là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Người ham hố vật chất nhiều quá, sao về đây được.
Theo Pháp hoa, từ địa ngục A-tỳ cho đến cõi Phật đều có Bồ-tát, nhưng không phải ai cũng là Bồ-tát. Ở trong địa ngục, người đã thoát ly khổ, có tâm thương người và tìm cách giải thoát cho người khổ, đó là Bồ-tát ở trong địa ngục. Nói chính xác, đó là Bồ-tát Thích Ca phát tâm vào địa ngục để cứu người thoát khổ.
Hoặc Bồ-tát Quan Âm phát nguyện ở Ta-bà vào địa phủ. Đó là cách tu của ngài, vì ở địa phủ có điều kiện thành tựu hạnh Bồ-tát.
Vì vậy, lời phát nguyện của đạo tràng Pháp Hoa chúng ta là nương theo nguyện của Quan Âm mà làm: “Cõi Ta-bà thị hiện độ sanh. Thọ trì đọc tụng chơn kinh. Quyết lòng tế độ chúng sanh muôn đời”. Ở đây có đủ thứ việc, mình làm để tạo công đức.
Thể hiện ý này, tôi tốt nghiệp xong, trở về nước. Các thầy can tôi rằng ở Việt Nam, người ta còn chạy ra nước ngoài. Thầy lại chạy vô làm gì. Tôi nói ở Việt Nam có nhiều việc làm và nhiều người cần mình. Thực tế trải qua 50 năm tôi đã làm được một số Phật sự.
Muốn tạo công đức, chúng ta nhớ lời nguyện của Quan Âm ở Ta-bà, vào địa phủ. Vì thực sự có khổ mới phát tâm được, không khổ, giàu có thường lo hưởng thụ, dễ phạm sai lầm, khó phát tâm sống thánh thiện theo hạnh Bồ-tát.
Hòa thượng Thích Trí Quảng
Ban Trị sự TP.Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tọa đàm tại chùa Bằng
Học viện PGVN tại Hà Nội kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Văn phòng Hội đồng Chứng minh thông báo về việc cấp phát học bổng Đức Nhuận (toàn phần) năm 2024
Ninh Bình: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông
Hà Nam: Khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật Phật giáo năm 2024