Thứ hai, 17/06/2024 23:21:23 (UTC+7) 4,554,658,173

Văn hoá truyền thống tết cổ truyền Việt Nam

TS Lê Văn Tấn/ Phật Giáo và Doanh Nhân

Người Việt Nam nói chung, từ trẻ con đến người lớn, khi nghe đến Tết là đều có cảm giác nao nao xao xuyến. Tết là ngày vui của đất trời, của dân tộc. Và hơn hết, Tết Nguyên Đán là ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Tết Nguyên Đán không đơn

Người Việt Nam nói chung, từ trẻ con đến người lớn, khi nghe đến Tết là đều có cảm giác nao nao xao xuyến. Tết là ngày vui của đất trời, của dân tộc. Và hơn hết, Tết Nguyên Đán là ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Tết Nguyên Đán không đơn thuần là một ngày lễ thông thường, mà đây còn là “Ngày đoàn viên”

Dù cho bất kỳ ai có bận rộn công việc như thế nào, thì Tết Nguyên Đán cũng chính là dịp để họ trở về quê hương của mình, cùng với gia đình đón những ngày đầu năm mới thật ý nghĩa và hạnh phúc. Trong ngày Tết, người lớn thường chuẩn bị những bao lì xì đỏ xinh xắn để tặng cho con cháu. Mục đích của phong bao này được xem như là lời cầu chúc bình an, hy vọng người nhận luôn được vui vẻ, hạnh phúc cho cả năm.

Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt Nam dù đi đâu, ở đâu cũng luôn hướng về quê hương, xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có mồ mả tổ tiên. Nơi đấy đã từng nuôi dưỡng tình cảm gia đình, dòng tộc, xóm làng. Hình ảnh làng quê với cây đa, bến nước, ngôi đình chứa đựng biết bao kỷ niệm của những vùng quê êm ả. Dù cho quá trình đô thị hóa đang làm mất dần những ký ức cây đa, bến nước, lũy tre làng một thời, nhưng dễ gì đã phá hủy hết được văn hóa truyền thống mà ngàn đời ông cha ta đã dày công vun đắp, tôn tạo.

Các làn sóng văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam, nhưng không vì thế mà văn hóa truyền thống, tín ngưỡng tôn thờ từ ngàn xưa bị coi nhạt. Trong những nguồn văn hóa truyền thống, Phật giáo là tôn giáo gắn liền với linh hồn của dân tộc hiện nay. Ngoài những lời dạy về Từ Bi Hỷ Xả, nhân quả, giải thoát trong đạo Phật, các tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng tổ tiên, tri ân báo ân… là những chuẩn mực văn hóa của dân tộc.

Theo Phan Kế Bính, mỗi quốc gia có phong tục, tín ngưỡng riêng. Phong tục ấy ban đầu thuộc một vài người rồi bắt chước nhau thành thói quen, dần dần phát triển thành lễ tục. Trong tác phẩm Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính khẳng định, việc thờ cúng Tổ tiên và các bậc thần linh là rất quan trọng. Thờ cúng Tổ tiên là một tập tục truyền thống mang giá trị đạo đức, thể hiện lòng thành kính của con cháu: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, ấy cũng là một việc nghĩa của người.”

Khôn ngoan nhớ đức cha ông

Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ

Đạo làm con chớ hững hờ

Phải đem hiếu kính mà thờ tổ tiên.

Cây có gốc mới nở cành xanh lá,

Nước có nguồn mới bể cả sông sâu.

Người ta nguồn gốc từ đâu, Có tổ tiên trước rồi sau có mình. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng coi thờ cúng Tổ tiên là một truyền thống: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng Tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân.” (Trích Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Còn Giáo sư Hà Đình Cầu cho rằng: “Việc thờ cúng Tổ tiên không phải là một tôn giáo, mà là một luật tục” Ở Miền Nam nước ta, thờ cúng Tổ tiên được nhiều người gọi chung với cái tên là Đạo Ông Bà:

“Ở đạo Ông Bà, người trưởng tộc là người lo việc cúng tế”,

còn Nguyễn Đình Chiểu gọi là Đạo Nhà:

“Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”.

Ở Miền Bắc nước ta, nhiều người gọi thờ cúng Tổ tiên hay là Đạo thờ Tổ tiên. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, “Đạo” ở đây không có nghĩa là một tôn giáo, mà là đạo lý làm người uống nước nhớ nguồn. Mà rằng, khi nói đến thờ cúng ông bà, tổ tiên, chúng ta không thể không nói đến tín ngưỡng thờ Phật. Vì trên bàn thờ chính ở miền Bắc, bát hương chính giữa thờ công đồng: Phật, Thánh, Tiên, Thần… Thờ Phật luôn được kể đến đầu tiên.

Mỗi gia đình người Việt đều xem bàn thờ tổ tiên là nơi thiêng liêng nhất, tôn kính nhất, thể hiện sự ghi nhớ nguồn gốc, công ơn với người đi trước. Nguyễn Tài Thư đã bày tỏ: “Người đương thời thấy có trách nhiệm phải chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu; cúng bái, thờ phụng cha mẹ khi qua đời. Họ thấy phải noi gương cha mẹ, thờ phụng những người đã khuất và giữ gìn tập tục của họ.”

Tục thờ cúng tổ tiên ở người Việt có một số nét đặc thù: tổ tiên gia đình và tổ tiên cả nước gắn chặt với nhau trong việc tưởng niệm và thờ cúng. Có lẽ ít có dân tộc nào tưởng niệm và thờ cúng những vị tổ tiên đầu tiên như tục thờ các vua Hùng ở người Việt. Với thờ cúng tổ tiên, đạo hiếu của người Việt được cố định ở một chiều sâu tâm thức và là sự khẳng định con người cá nhân không hề đoạn tuyệt với dòng giống dù là ở phạm vi cả tộc người hay ở phạm vi từng gia đình. Trong khi hướng tới tương lai, người Việt không hề cắt đứt mình với quá khứ. Ký ức lịch sử, ký ức gia đình càng sâu, thì sự khẳng định con người cá nhân cũng càng sâu. Chỉ xét riêng về mặt đạo lý, sự thờ cúng tổ tiên của người Việt là máu thịt, là hơi thở của dân tộc. Cho dù môi trường xã hội có thay đổi như thế nào đi chăng nữa, yếu tố đạo lý và yếu tố tín ngưỡng quyện chặt với nhau trong thờ cúng tổ tiên.

Chính vì lẽ đó, từ nhà giàu sang cho đến gia đình nghèo khó đều đặt bàn thờ gia tiên ở nơi trang trọng nhất, ngay chính giữa nhà mình. Bàn thờ tổ tiên ở Nam bộ nói chung được bài trí đơn giản hơn so với Bắc bộ. Ở miền Bắc, thường có nhà thờ tộc họ chung, con cháu dòng dõi trong một họ lập chung một nhà thờ Thủy Tổ. Nhà thờ Thủy Tổ có riêng một thần chủ, để thờ mãi mãi, không bao giờ thay đổi, gọi là “Bách thế bất diêu chi chủ”.

Văn hóa Phật giáo dung hòa với truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt, dựa trên nền tảng hiếu đạo của Phật giáo, cũng như một đời sống nhân quả thuần thiện. Điều này xuất phát từ chỗ Phật giáo có những tương đồng về văn hóa, đạo đức với dân tộc.

Hiện nay, Phật tử và người dân đến chùa không chỉ vì nhu cầu tâm linh như trước đây, mà còn để tìm hiểu Phật pháp. Thông qua các buổi thuyết pháp, khóa tu, người Phật tử đã sống đạo, giữ giới, thực hành những hành vi đạo đức tốt đẹp của nhà Phật. Trong đó có đạo lý nhớ ân tổ tiên, ân đất nước.

Ân nghĩa là một truyền thống luân lý đạo đức được truyền từ ngàn xưa đến nay. Bất cứ dân tộc nào, đất nước nào cũng đều lấy ân nghĩa làm trọng yếu. Cho nên tục ngữ có câu: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Nhớ ơn và đền đáp công ơn đó là một quy luật đạo đức và cũng là hạnh nguyện lớn nhất của người con Phật. Do vậy, những lời dạy của Đức Phật rất gần gũi với nếp sống tình cảm của mỗi gia đình người Việt, là tình thương bao la đối với mọi người và cả cỏ cây, quê hương đất nước.

Việt Nam tự hào có nền văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc. Bản sắc văn hóa dân tộc được biểu hiện đa dạng trong cuộc sống đời thường nhưng rõ nhất là qua những sinh hoạt, thực hành văn hóa của cá nhân, cộng đồng gắn với những sự kiện lịch sử, chính trị của dân tộc, đất nước. Tết Nguyên đán diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới, đây cũng là khoảng thời gian trùng hợp với những sự kiện lịch sử, những chiến công vang dội của ông cha trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tết đến xuân về, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi cá nhân đều trào dâng trong tim những cảm xúc mãnh liệt với nỗi nhớ, niềm mong được trở về quê hương, làng xóm, với đất nước, Tổ quốc thân yêu để biết ơn tổ tiên, nguồn cội; để tìm lại những kí ức đẹp đẽ tuổi thiếu thời, để được đáp đền công ơn dưỡng dục, sinh thành của ông bà, cha mẹ; để gặp lại những người thân yêu nhất; để nghe tiếng quê hương; thưởng thức hương vị Tết quê nhà. Trở về với Tết là để trải nghiệm không khí xuân, với những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp, để sống và cống hiến ngày càng tốt hơn cho dân tộc, đất nước.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa là sự lắng đọng, kết tinh tình cảm, trí tuệ, phẩm chất, tâm hồn bao thế hệ người dân nước Việt, mà những sinh hoạt, thực hành trước, trong và sau Tết cổ truyền là những biểu hiện sinh động, phong phú, đặc sắc nhất. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết cổ truyền sẽ tạo nền tảng tinh thần vững chắc, cổ vũ, động viên mỗi người không ngừng cố gắng vươn lên, cùng chung sức đồng lòng thực hiện thành công khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Mùa xuân muôn sắc loài hoa thắm

Xuân về khoác áo nụ tầm xuân.

Hoa thơm nở rộ lòng vui thấy,

Phật ở trong tâm, Phật quả thành.

TS Lê Văn Tấn, Viện trưởng Viện Phát triển KHCN&GD

XEM NHIỀU

20/12/2024 15:50:16

Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp

Tôi áp dụng nhiều triết lý Phật giáo vào cuộc sống hàng ngày, luôn cố gắng kiểm soát cảm xúc và không để tức giận lấn át. Tôi thực hành nguyên tắc không làm điều mình không muốn người khác làm với mình. Nếu mỗi người đều giữ được tâm...
20/12/2024 00:03:42

Làm thế nào để vượt qua sợ hãi?

Bằng cách tự dạy cho mình chân lý của ba tính cách: vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Khi biết rằng một ngày nào đó mình sẽ chết, bạn sẽ không sợ hãi. Chúng ta sợ hãi vì chúng ta muốn sống mãi mãi. Chúng ta không muốn chết. Chúng ta...
18/12/2024 21:24:31

PHẬT GIÁO VIỆT NAM LUÔN HỘ QUỐC AN DÂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

Phật giáo đã gắn bó theo từng nhịp thăng trầm của dân tộc. Dù ở hoàn cảnh nào của lịch sử thì xứ mệnh của Phật Giáo vẫn luôn là cứu khổ, phò nguy cho dân tộc. Thời kỳ Lý Trần là thời kỳ thịnh trị hoàng kim nhất trong lịch sử Phật giáo...